Mới đây, sự việc học sinh mầm non 3 tuổi bị tử vong khi chơi cầu trượt tại trường mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn) đã khiến dư luận rúng động. Được biết, vào ngày 25/11, khi bé T đang chơi ở khu vực cầu trượt thì không may bị kẹt đầu vào ô tròn của cầu trượt. Tuy nhiên không có ai để ý, đến khi một cô giáo phát hiện thì bé đã nguy kịch. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng đến tối cùng ngày bé đã qua đời.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, có không ít trường hợp trẻ bị thương hoặc tử vong khi chơi cầu trượt. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm rình rập từ trò chơi cầu trượt mà đứa trẻ nào cũng yêu thích.
Hồi đầu năm, sự việc bé trai 3 tuổi bị tử vong do dây rút cổ áo mắc vào ván trượt ở Nghệ An khiến rất nhiều người đau xót. Sự việc thương tâm này xảy ra ngày 28/1/2019 tại trường mầm non xã Tân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Chiều ngày 28, sau bữa ăn phụ, các cô giáo phụ trách lớp bé T đã cho các bé ra sân chơi. Khi bé T đang chơi cầu trượt, thì không may sợi dây rút ở cổ áo mắc vào ván trượt và thít chặt cổ, khiến bé ngạt thở. Khi được các cô giáo phát hiện, bé T đã tím tái, ngạt thở. Dù đã được đưa đến trạm y tế của trường sơ cứu và chuyển lên bệnh viện nhưng bé T vẫn không qua khỏi.
Năm 2018, bé 12 tháng tuổi bị gãy chân do sai lầm của người mẹ khi chơi cầu trượt. Tai nạn ngoài ý muốn này xảy đến với cô Heather Clare đến từ New York (Mỹ). Khi đó, cô đưa hai đứa con song sinh của mình đến công viên để chơi. Cô Clare có bế con gái mình là bé Meadow đặt lên đùi và cùng chơi trò cầu trượt. Khi đang tuột xuống, chân của bé Meadow không may bị mắc lại thành cầu trượt và uốn ngược ra phía sau. Hậu quả là bé Meadow đã bị gãy chân, cô Clare sau đó đã chia sẻ bức ảnh chụp lại khoảnh khắc con gái mình gặp tai nạn lên Facebook để cảnh báo các cha mẹ khác. Bức ảnh này sau đó đã nhận về hàng chục nghìn lượt chia sẻ cũng như bình luận.
|
Bé 12 tháng tuổi bị gãy chân do sai lầm của người mẹ khi chơi cầu trượt. |
Trước đó, một video đăng tải lên mạng xã hội quay lại cảnh một bé gái Trung Quốc ngã lộn cổ từ trên cầu trượt xuống và nằm bất động khiến ai cũng rùng mình sợ hãi. Tai nạn xảy ra khi bé gái này chạy ngược lên cầu trượt để chơi đùa với các bạn và ngồi vắt vẻo ở mép cầu trượt. Không may, bé bị mất đà và ngã lộn cổ xuống. Sự việc xảy ra quá chóng vánh nhiều phụ huynh quanh đấy giật mình hoảng hốt.
Điểm lại các vụ tai nạn trẻ em thương tâm do cầu trượt gây ra để thấy những trường hợp này không phải là hy hữu. Theo một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Carver, Iowa cho thấy, ước tính có khoảng 352.698 trẻ dưới 6 tuổi đã bị thương khi chơi cầu trượt trong khoảng từ năm 2002 đến 2015 ở Anh, nhiều trường hợp trong đó gãy xương chân.
Theo kết quả điều tra nghiên cứu trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm trẻ từ 12-23 tháng tuổi bị thương tích nhiều nhất; và thương tích phổ biến nhất là gãy xương - chiếm 36% và thường gãy xương ống đồng.
Trước những tai nạn đáng tiếc liên quan đến cầu trượt, nhiều bậc phụ huynh lên tiếng và mong nhà trường xem xét bỏ trò chơi nguy hiểm này.
|
Nhiều phụ huynh cho rằng trường mầm non nên bỏ trò cầu trượt để tránh những tai nạn thương tâm. |
Chị Lê Hiền (Hà Nội) cho hay: “Rất nhiều đồ chơi cho trẻ hiện nay ẩn chứa nguy hiểm. Các thứ đồ chơi dạng que rất dễ gây nguy hiểm khi trẻ cầm chọc vào mặt nhau. Những đồ chơi kích thước lớn cũng không đỡ hơn, chẳng hạn như trò cầu trượt mà thang leo lên khá cao so với tuổi lên 3 của trẻ. Đây là trò chơi mà khi cho trẻ chơi dứt khoát phải có người giám sát. Theo tôi, nếu nhà trường không đủ giáo viên giám sát khi trẻ chơi thì nên dẹp ngay trò cầu trượt nguy hiểm này đi”.
Video "Sản phụ tử vong bất thường sau mổ đẻ". Nguồn: VTC.
Bạn đọc Trần Nam nhận định: “Cần xem lại cầu trượt thiết kế sai quy cách, trẻ em dù chơi ở tư thế nào cũng không được phép kẹt, gây thương tích”.
Chị Phương Thảo (Hà Đông) bức xúc chia sẻ: “Thật thương cháu bé và gia đình quá. Nhà trường và cô giáo tại sao lại thiếu trách nhiệm đến vậy, các cháu còn quá nhỏ lại hiếu động vậy mà không có sự giám sát của người lớn. Có lẽ các nhà trường cũng nên tháo bỏ trò cầu trượt và nghiên cứu các trò chơi khác hợp lý, an toàn hơn”.
Đồng quan điểm, anh Khánh Lê cũng cho rằng nhà trường nên xem xét lại các trò chơi trong khuôn viên và lựa chọn những trò phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh mầm non. Đặc biệt, khi cho trẻ chơi các trò như cầu trượt hay xích đu thì nhà trường cần bố trí giáo viên hoặc người lớn giám sát 24/24h.