Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa có Văn bản số 2170/KSBT-PCBTN về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do Adenovirus gửi Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.
Báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, tình hình bệnh nhi mắc Adenovirus tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng nhanh từ tháng 8/2022 cho đến nay. Tính từ ngày 1/1 đến 22/9/2022, đã có hơn 1.000 ca mắc đến khám và điều trị tại bệnh viện.
|
Chăm sóc các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân mắc Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca), đồng thời, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Tây Hồ.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do Adenovirus trên địa bàn thành phố, CDC Hà Nội đề nghị, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân và tại các cơ sở y tế được phân cấp đóng trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung giám sát tại các khoa khám bệnh, khoa nhi, khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện, đảm bảo tần suất tối thiểu 3 lần/tuần để thu thập thông tin về tình hình bệnh nhân Adenovirus đến khám và điều trị.
“Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phải tổ chức ngay các hoạt động điều tra dịch tễ, xử lý dịch khi ghi nhận các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ số mắc, số tử vong hằng tháng trên hệ thống báo cáo trực tuyến theo quy định”, CDC Hà Nội nêu rõ.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh do Adenovirus, trong đó, tập trung vào các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh…
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người nhiễm virus Adeno trước tình hình gia tăng số trẻ nhập viện do virus Adeno; đồng thời, yêu cầu các bệnh viện chú trọng phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở điều trị.
Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành Y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm virus Adeno. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... cần được hội chẩn tích cực, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến trung ương nhằm đảm bảo an toàn người bệnh.
Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đơn vị này phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đồng thời đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
CDC Hà Nội hướng dẫn, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do virus Adeno, không để bùng phát, kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Thời gian ủ bệnh do virus Adeno khoảng từ 8-12 ngày và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó, các đối tượng như trẻ em, thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính thường có nguy cơ cao nhiễm virus do có sức đề kháng kém. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhập viện điều trị do viêm phổi nhiễm virus Adeno khi có các triệu chứng: Khó thở, thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản; suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím, SpO2 < 94%); nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; có bệnh nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng...; tổn thương trên X-quang phổi như tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi...