Đây cũng là lần đầu tiên Thủ đô vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm/ngày. Nhóm bệnh nhân Covid-19 mới trú tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Các địa phương ghi nhận số F0 lớn nhất trong ngày: Long Biên (541); Mê Linh (531); Thạch Thất (478); Quốc Oai (385); Hai Bà Trưng (331);...
Một số địa bàn xã/phường có số nhiễm cao hôm nay: An Thượng, Anh Khánh (Hoài Đức); Tiên Dương, Vĩnh Ngọc, Hải Bối (Đông Anh); Trung Văn (Nam Từ Liêm); Tiền Phong, Quang Minh (Mê Linh); Bắc Sơn, Minh Trí (Sóc Sơn); Việt Hưng (Long Biên); Hoàng Liệt, Thịnh Liệt (Hoàng Mai);
Như vậy, từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới nay, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận tổng số 250.757 ca Covid-19. Riêng từ thời điểm áp dụng "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19" (từ ngày 11/10), toàn TP có thêm 246.719 F0 mới. Hà Nội vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước về số F0 mới mỗi ngày.
Các quận huyện có số ca bệnh cộng dồn lớn nhất (từ đầu năm 2021 tới ngày 26/2/2022) là: Hoàng Mai (18.061 F0), Đông Anh (14.747 F0), Đống Đa (14.676 F0), Nam Từ Liêm (13.862 F0), Long Biên (11.857)
Thông tin tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nêu rõ, tình hình dịch tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số mắc mới tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không; thời tiết lạnh là những diễn biến mang lại nhiều thách thức.
Ông Dũng cho biết hiện nay, 97% số F0 tại Thủ đô là ca nhẹ, không triệu chứng. TP vẫn luôn chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em) và hiện vẫn còn dư 40%. Bên cạnh đó, các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường cho bệnh nhân Covid-19. TP có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị “bình tĩnh và tư tưởng thích ứng an toàn nhưng không chủ quan; vẫn kiên trì với quan điểm phân cấp đến các quận, huyện, thị xã và “4 tại chỗ”.
Đồng thời, tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (tập trung quản lý F0 tại nhà); không để tình trạng F0 không có thông tin; bảo đảm các túi thuốc A, B, C; tăng cường tập huấn hướng dẫn chủ động và nhuần nhuyễn; điều phối các lực lượng hiệu quả cao nhất. Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được, thực hiện bằng mọi nỗ lực.