Sau 3 ngày nghỉ Tết, anh Đ.Q.T., hiện sinh sống tại một quận nội thành Hà Nội xuất hiện tình trạng đau mỏi người, cơ thể lúc nóng, lúc lạnh. Cảm thấy bất an, anh T. tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà thì bất ngờ cho kết quả "2 vạch".
Cả chục cuộc không tiếp cận được y tế phường
"Việc đầu tiên tôi làm là tìm nơi xét nghiệm PCR. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin rồi qua bạn bè giới thiệu, tôi gọi được một đơn vị đến nhà lấy mẫu. Việc thứ hai là lên mạng tìm kiếm các số đường dây nóng, gọi tổng đài 1022 ấn phím 2, rồi ấn phím 3 đủ cả nhưng không nhận được sự hồi âm", anh T. chia sẻ.
|
(Ảnh minh họa) |
Sau đó, anh T. tiếp tục tìm số điện thoại của trung tâm y tế quận và trạm y tế phường để báo về tình trạng dương tính của mình. Rất nhiều lần gọi, anh T. kết nối được với một cán bộ ở quận và được người này cung cấp một số điện thoại khác để gặp cán bộ y tế phường ở nơi cư trú.
"Gọi theo số điện thoại được quận cho, tôi được một chị thông báo là cứ gọi trực tiếp đến số các bạn ở trạm y tế phường. Nếu thấy máy bận thì có thể cứ gọi đi gọi lại. Nhưng mọi cuộc gọi trong suốt hôm đó tới trạm y tế đều báo đường dây bận", anh T. cho hay.
Cố gắng liên lạc bằng nhiều cách, cuối cùng anh T. đã kết nối được với một nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi khai báo các thông tin về bệnh nền, tiền sử tiêm vaccine,… anh T. vẫn chưa được hướng dẫn điều trị, cấp thuốc vì… phải chờ có kết quả PCR.
Sang ngày hôm sau, anh T. có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, gửi kết quả đến cán bộ tiếp nhận thông tin ở phường, anh T. cũng chỉ được thông báo "trường hợp của anh, em sẽ báo lên quận". Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua, thực hiện hơn chục cuộc gọi, anh T. vẫn chưa nhận được hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế hay được nhận bất kì túi thuốc nào.
Bà N.T.H (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi test nhanh dương tính cũng gọi điện ra trạm y tế phường thông báo. “Họ dặn là ở nhà chờ đợi. Nhà tôi chờ 2 ngày không thấy họ đến, gọi điện ra thì họ lần chần nói là trạm chưa có dụng cụ để test”, bà H kể.
Quá nóng ruột vì cả nhà đều xuất hiện dấu hiệu sốt, nhất là khi trong nhà có bé mới 4 tuổi, bà H đã tự gọi dịch vụ đến nhà xét nghiệm PCR. Sau khi nhận kết quả dương tính, bà tiếp tục liên hệ với trạm y tế phường. Lúc này, bà mới được phát 1 gói thuốc trong đó có hạ sốt và thuốc điều trị COVID-19.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, cũng xuất hiện rất nhiều lời kêu ca phàn nàn của người dân về việc khó tiếp cận với y tế cơ sở và cả các số điện thoại đường dây nóng mà các phường, quận, huyện đưa lên với mục tiêu hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
|
Bà N.T.H (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được nhận gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.
|
Y tế cơ sở đang quá tải
Hà Nội hiện có 26.000 F0 được theo dõi và điều trị tại nhà. Con số này đang ngày một tăng nhanh. Điều này tạo áp lực rất lớn đến đội ngũ nhân viên y tế cơ sở.
Trao đổi với phóng viên VOV2, chị Lê Tú Uyên, trạm trưởng Trạm y tế phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) cho biết, hiện nay mỗi trạm y tế chỉ có 7-8 nhân viên nhưng phải đảm nhận rất nhiều đầu việc. Chỉ riêng việc tiêm chủng vaccine COVID-19 đã chiếm rất nhiều thời gian.
“Tối qua chúng tôi phải làm đến 2 giờ sáng vì một ca cấp cứu. Ngay bây giờ, tôi đang đến từng nhà tiêm cho các bác cao tuổi không đi lại được”, chị Uyên chia sẻ.
Qua thực tế tiếp nhận các cuộc gọi từ người dân, chị Uyên cũng cho biết, có người thì thông cảm chia sẻ, nhưng cũng có người chỉ gần như không có triệu chứng, nhưng có thể vì lo lắng quá nên cán bộ y tế có giải thích thế nào họ cũng không hài lòng.
Theo hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, có 4 lực lượng chính tham gia quản lý, theo dõi F0 tại nhà bao gồm: trung tâm y tế; trạm y tế, trạm y tế lưu động; tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19; mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Lực lượng y tế mỏng, nhân viên y tế bị quá tải là tình trạng chung của tất cả các trạm y tế phường. Mới đây, UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) đã có thư ngỏ kêu gọi các y bác sỹ nghỉ hưu sinh sống trên địa bàn tham gia hỗ trợ chống dịch.
“Địa bàn rộng, dân cư đông, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế đã phải tham gia vào công tác chống dịch trong một thời gian rất dài, rất vất vả và áp lực, vì vậy địa phương đang rất thiếu y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hỗ trợ trực tiếp”, lãnh đạo UBND phường Thạch Bàn nêu thực tế.
Trước dự báo về số ca nhiễm mới COVID-19 sẽ còn tăng, đặc biệt khi biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta thì rõ ràng ngành y tế Thủ đô cũng cần có sự sắp xếp một cách hợp lý quy trình điều trị, chăm sóc F0, giảm bớt những thủ tục mang tính hành chính. Huy động sự tham gia hỗ trợ nhiều hơn nữa của lực lượng tình nguyện viên. Bên cạnh đó, khi được xác định là F0 người dân cũng cần bình tĩnh để theo dõi, chăm sóc tại nhà và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.