Chủng virus mới của đợt dịch lần này đã khiến dịch bệnh COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh tại Đà Nẵng và 1 số tỉnh thành khác. Lần đầu tiên tại nước ta ghi nhận trung bình 1 bệnh nhân COVID-19 lây nhiễm cho 5-6 người khác, gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Đáng lo ngại là hàng trăm ca bệnh được phát hiện có liên quan đến 5 bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng đang bị phong tỏa, là Bệnh viện C, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viên tư nhân Hoàn Mỹ và Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Lúc bị phong tỏa, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có tới 4000 bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, những bệnh viện còn lại cũng có trên dưới 1000 người.
|
Các phương tiện cá nhân phun tẩy hết ngóc ngách, khoa phòng trong bệnh viện. |
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), 1 số bệnh viện tại Đà Nẵng “thất thủ” có nguyên nhân chủ quan sau nhiều ngày trước đó không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng.
“Nhiều bệnh viện đã mải vui trong chiến thắng, chủ quan trong việc phân luồng cách ly trường hợp nghi ngờ, không lấy mẫu xét nghiệm sớm những bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi nặng, cúm, sốt, ho khó thở. Nếu bệnh viện mất cảnh giác như vừa qua thì bệnh viện sẽ không còn thầy thuốc để điều trị bệnh nhân”- ông Lương Ngọc Khuê cho biết
Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng- ổ dịch lớn nhất “thất thủ” khiến 8 y, bác sĩ của bệnh viện này mắc COVID-19 , 1 số nhân viên y tế khác ngất xỉu vì phải làm việc quá sức. Tuy nhiên, điều lo ngại hơn cả là tại đợt dịch lần này đã có những bệnh nhân tử vong, càng cho thấy, khi COVID-19 xuất hiện tại bệnh viện thì việc chống dịch trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Cơ sở khám chữa bệnh là nơi có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nền và những ca bệnh nặng nên nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra nếu mắc thêm Covid- 19.
“Mấy ngày qua 1 số bệnh nhân chạy thận nhiễm COVID-19 tử vong, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng. Chúng tôi cô gắng hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, chỉ mong bệnh viện thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch.”- ông Mai Anh Tuấn ở xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa đã chuyển hơn 200 bệnh nhân đến những Trung tâm chạy thận khác để giảm áp lực. Từ kinh nghiệm chống dịch trong đợt bệnh viện bị phong tỏa cách đây mấy tháng, đơn vị đang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cố gắng không để mầm bệnh xâm nhập.
|
Các bệnh nhân thận nhân tạo từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển qua Bệnh viện Quân Y 17. |
“Chúng tôi đã gửi thông tin phòng dịch cho người bệnh. Bệnh nhân chạy thận khi bước vào bệnh viện cũng như vào điều trị trong khoa đều được phân luồng đi riêng, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt…”- ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Từng là nơi có 2 bác sĩ bị dương tính trong đợt dịch trước, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tập trung điều trị cho hàng chục bệnh nhân COVID-19 .
“Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để phòng chống lây nhiễm giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa y, bác sĩ với bệnh nhân, giữa nhân viên y tế với nhân viên y tế…”- Bác sĩ Đỗ Minh Tân, Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho hay.
Dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài hàng năm. Do vậy, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các bệnh viện cần duy trì những biện pháp sàng lọc người nghi nhiễm, xét nghiệm sớm để khẳng định ca bệnh COVID-19 , phòng thủ thật chặt, tổ chức chăm sóc toàn diện cho những bệnh nhân nặng, mắc bệnh nền. Bộ cũng đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện cấp phát thuốc điều trị bệnh mãn tính với thời gian dài hơn, tối đa là 3 tháng để người bệnh không phải đến bệnh viện trong thời gian có dịch; đồng thời hạn chế việc người dân đến thăm bệnh nhân.
Còn theo Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Xuân Kiên lúc này, cần kích hoạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
“Nếu bệnh viện mà bị lây nhiễm thì chúng ta mất sức chiến đấu. Bệnh viện bị phong tỏa thì sẽ không còn nơi để người dân đến chữa bệnh nữa nên phải kích hoạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Trong các bệnh viện quân đội của chúng tôi đã thực hiện việc đó, có từng tổ nhân viên đưa thuốc đến tận nhà các đồng chí cán bộ cao cấp để các bác có bệnh nền không phải đến bệnh viện nữa”- Cục trưởng Cục Quân y Nguyễn Xuân Kiên cho biết.
Trong bối cảnh bệnh viện tự chủ tài chính, nguồn thu phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân, càng đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh không được chủ quan với dịch bệnh. Sẵn sàng từng kịch bản để đối phó với COVID-19 không chỉ thể hiện năng lực quản trị bệnh viện mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và nhân viên y tế.