Ngày 26/10, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM xác nhận đã chuyển giao nghi can Lê Minh Thuận (SN 2003, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) - thiếu niên 15 tuổi giết tài xế Grab - cho phòng CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra theo thẩm quyền về hành vi giết người, cướp tài sản.
Qua lời khai của thiếu niên giết hại tài xế grab, được biết cha mẹ Thuận đã ly hôn nên từ nhỏ Thuận sống cùng bà ngoại trong cảnh sống thiếu thốn, khó khăn. Thấy bạn bè cùng trang lứa có đủ loại phương tiện, Thuận cũng ước ao có được chiếc xe máy dòng tay côn nhưng không có tiền nên đã quyết định đi cướp. Phát hiện tài xế Grab sử dụng xe tay côn hiệu Winner, Thuận đã tiếp cận để thực hiện hành vi tội ác...
|
Hiện trường nơi Thuận ra tay sát hại nạn nhân để cướp tài sản. |
Từ việc phát hiện tài xế Grab sử dụng chiếc xe mình hằng mơ ước, cho đến việc tiếp cận, thuê tài xế này chở đi, cho đến hành động rút dao, dứt khoát đâm liên tiếp khiến tài xế gục chết ngay tại chỗ, tất cả những hành động ấy Thuận làm chỉ quyết đạt đến mục tiêu cuối cùng là chiếm được chiếc xe.
Theo ThS tâm lý Trần Mạnh Hoàng, người chưa thành niên nói chung phạm tội thường mang tính bột phát, phụ thuộc vào sự tác động của tình huống, hiếm khi có chủ động từ trước. Ý định phạm tội của họ thường xuất hiện rất nhanh và được thực hiện ngay, nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả. Đó là lý do vì sao hành vi phạm tội của người vị thành niên rất manh động, nguy hiểm, táo bạo và khó lường.
Trong trường hợp thiếu niên 15 tuổi giết người này có thể ý định phạm tội xuất hiện từ trước, và có sự suy tính tưởng là cẩn thận; nhưng thực tế thì quá trình này cũng phiến diện, chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố trung tâm là mục đích anh ta nhắm tới. Ngay khi nhìn thấy đúng chiếc xe mình mơ ước, thiếu niên này chỉ nghĩ đến việc đạt mục đích chiếm hữu chiếc xe và lên kế hoạch cho điều đó mà bỏ qua những yếu tố khác như những bất lợi, hậu quả của hành vi mình có thể mang đến, hoàn toàn bỏ qua các yếu tố đạo đức, luật pháp, gia đình, xã hội,....
Lý giải nguyên nhân nào dẫn đến tâm lý manh động, bất chấp luật pháp đó, ThS Trần Mạnh Hoàng cho rằng nhận thức bản thân không được mọi người coi trọng, thiếu tự tin vào học vấn, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến những thanh thiếu niên như Thuận phải tự học cách đối phó với cuộc sống và các mối quan hệ. Có điều ở tuổi đang còn nhiều biến động về tâm sinh lý, các em dễ có sự nhìn nhận vấn đề lệch lạc, dễ bị kích động và bột phát trong hành động.
Sự phát triển quá nhanh của cuộc sống hiện đại cũng tạo cho các em quen với việc giải quyết mọi thứ nhanh chóng để đạt được mục đích. Đánh nhau, thậm chí giết người dễ dàng để thỏa mãn nhu cầu bản thân mà không cần nghĩ đến hậu quả.
Mặt trái của kinh tế thị trường cũng dẫn đến các tệ nạn xã hội tác động đến lối sống thực dụng, đạo đức bị xem nhẹ, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Trình độ hạn chế, môi trường sống không thuận lợi, bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như bạo lực, lối sống gấp, thích hưởng thụ không từ lao động, chạy theo những trào lưu thiếu lành mạnh. Khi cần giải quyết vấn đề, những thiếu niên như Thuận sẽ dựa trên những gì quan sát từ phim ảnh, game, từ những hiện tường tiêu cực trong xã hội để học theo.
Thậm chí ngay sau khi gây án, thiếu niên 15 tuổi này vẫn bình thản che giấu hành vi tội ác. Hắn lục túi nạn nhân lấy điện thoại, ví tiền, cùng xe máy rời khỏi hiện trường, về đến chỗ làm công thu dọn đồ đạc, vứt áo mưa GrabBike rồi bỏ trốn. Để tránh bị phát hiện, Thuận còn tháo biển số xe bỏ lại tại một tiệm internet.
Các chuyên gia tội phạm học cho rằng “chưa biết sợ” là đặc điểm nổi bật ở hung thủ là người chưa thành niên. Vì nhận thức còn hạn chế nên khi gây án, thậm chí cả khi bị phát hiện, bị bắt giữ thì người chưa thành niên cũng không thấy hết hậu quả của việc mình làm. Thậm chí nhiều thiếu niên phạm tội còn có suy nghĩ lệch lạc xem đây như một thử thách của cuộc đời, là “cơ hội” để họ thể hiện, chứng tỏ mình.