Đi đánh “Tuesday”
Cho đến bây giờ, chuyện đi đánh “con Tuesday” vẫn có khắp nơi. Chưa nói đến chuyện xảy ra ở hang cùng ngõ hẻm hay phố phường, chỉ đọc trên báo và các kênh truyền thông, thấy trên mạng xã hội đầy các clip - cũng đủ rởn da gà:
Vợ nhảy lên capo xe đập vỡ cửa kính vì chồng đang chở bồ. Vợ gọi hội chị em bạn dì đến bắt người tình của chồng. Vợ bị người tình “yêu tinh” hơn đánh lại. Chồng bị cả nhà vợ đánh vì bắt quả tang ăn vụng. Mẹ cùng con gái rượt đánh bố đi với bồ. Thậm chí có anh chồng giải cứu bồ khi đang đi ô tô bằng cách nhấn ga, cuối cùng lỡ đâm chết vợ…
Cứ xem đó thì đủ thấy lòng căm thù ngùn ngụt, con người như phát điên. Mà thường câu chuyện diễn tiến có quá trình khá lâu, bao công lao rình rập, thuê cả xe ôm và thám tử theo dõi, rình xem tin nhắn, quản lý email…
|
Ảnh minh họa. |
Rất nhiều vợ sếp (đủ loại sếp to nhỏ, lớn thì giám đốc, vừa thì trưởng phòng, nhỏ thì anh chuyên gia, cán bộ các kiểu của doanh nghiệp, cơ quan)… thường “cài gián điệp riêng” của mình ở cơ quan chồng. Họ không biết là “gián điệp công ty” - thường là nữ - hay đưa chuyện và có năng khiếu suy diễn, nhất là các gián điệp này lại ganh ghét cái con “Tuesday” kia được sếp quý yêu nâng đỡ.
Nhiều “Tuesday” còn ỷ quyền lực mềm nên chẳng sợ ai, có khi còn xúi sếp trong việc giải quyết nhân sự cơ quan, thật vô cùng nguy hiểm.
Các bà vợ không bao giờ thấy con “Tuesday” có ưu điểm gì, không hiểu sao chồng mình lại mê nó. Chỉ kết luận rằng nó hư hỏng, mất dạy, lợi dụng và can tội phá gia cang. “Mỗi tội nó trẻ hơn, biết săn chiều hơn, nhõng nhẽo hơn (tởm lắm) và đàn ông ngu lắm”, một bà vợ sếp từng cay cú.
Mà các bà vợ không hề đặt nghi vấn với các “tài liệu mà gián điệp cung cấp”. Không thấy sao, các vụ án, có hẳn cả bộ máy điều tra mà nhiều khi còn chưa ra, nhiều sai sót oan sai, vậy mà chỉ có con gián điệp thiển cận ghen ghét điêu toa nữa mà các bà cứ “nuốt từng lời”. “May mà cô ấy quý chị, giúp chị bảo vệ gia đình”, rõ là động cơ tử tế trong sáng”. Các bà vợ không biết những người tốt sẽ giúp cách khác, khuyên nhủ người chồng, chứ không đưa tin thất thiệt.
Mà tâm lý người ghen thường sẵn sàng tin và bám lấy mọi chi tiết dù vô lý đến mấy. Các bà không mảy may nghĩ rằng sự thật là yếu tố đầu tiên gây lầm lẫn nhiều nhất và sự thật ngày càng khó tìm. Sự thật cần một quá trình mới có thể tìm ra trọn vẹn, nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy. Các bà tin rằng “gì chứ yêu thì khó giấu lắm, thật mười mươi rồi”.
Người ghen tuông thì đau khổ và không sáng suốt, sẵn sàng tin theo những gì giống ý mình, nhiều khi tự bà vô tình để chồng thấy gớm “con sư tử”, thấy thương “con thỏ non”, đẩy đôi kia đến với nhau nhanh hơn.
Sau nữa, các bà vợ tưởng rằng mình có dữ dằn và trả thù ác độc đến mấy cũng được xã hội cảm thông.
Đừng tự làm mình mất thêm
Cơn giận và đau khổ như thế mà các nhà tâm lý cứ nói thản nhiên… như người ngoài cuộc vậy sao? Họ bảo ghen là thứ thuốc độc giết chết mối quan hệ vợ chồng hiệu nghiệm hơn cả.
Trên các trò chơi còn có cả “Đánh ghen siêu sang”, rồi có nhiều lời khuyên của chuyên gia ở khắp nơi.
Thứ nhất, ghen luôn mù quáng nên các vị (cả chồng hay vợ đang ghen) đừng chủ quan tự tin “không gì qua được mắt tôi”. Lòng ghen luôn bám víu vào các chứng cứ dù vô lý do trí tưởng tượng và sự sợ hãi. Nó làm ta mất thông minh, kém tư duy logic và thích buộc tội.
Thứ hai, ta nên tự hỏi mình tại sao. Mình tất nhiên có quá trình, công lao nhưng còn thiếu gì? (“Ối giời, tôi thiếu cái thứ sao mà thay đổi sửa chữa được, “già xấu hơn con kia có phải tại tôi đâu, tôi uốn éo kiểu gì cho lại? Đừng… xui dại!”. Ấy vậy mà thiếu gì ông chồng có vợ đẹp lại đi yêu đứa xấu hơn? Thế mới đau, mới khó hiểu, mới đừng kết luận nông cạn vì tâm lý con người rất phong phú, ta sống suốt đời chưa hiểu hết nhau đâu).
Nếu ta tốt, ta không sợ? Nghe chí lý nhưng có chuyên gia lại bảo… sai, chưa đủ. Tốt là sao, nghĩa của nó nhiều lắm, chưa đủ đâu.
Sau nữa, pháp luật chưa quy định tội đánh ghen nhưng thiếu gì tội làm nhục người khác, tội gây rối trật tự hoặc tội cố ý gây thương tích? Khó mà tránh bị trừng phạt.
Vậy là kiểu gì cũng chỉ mất thêm chứ không được. Nhiều ông hãi quá phải “chừa“ chứ không có thêm tí gram yêu nào đâu. Ông thấy gớm đó, dù biết mình sai. Nhưng cái đầu không phải hoàn toàn như con tim phán xét. Yêu là cảm xúc và bảo vệ tình yêu còn phải có thêm lý trí.
Chứ tình yêu không thôi cũng mù lòa. Chả thế mà biểu tượng tình yêu là chú bé thiên thần có cánh, chú giương cung bắn nhưng đôi mắt lại bị… bịt kín.