Với sự hỗ trợ đầu tư của Quỹ Toàn cầu, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chống lại ba căn bệnh. Nhân viên y tế đang đi đầu trong những nỗ lực này.
Gặp gỡ ba người hùng y tế đến từ Việt Nam, những người đang mang các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị đến những người cần chúng nhất.
Thạc sĩ Khiếu Thị Thúy Ngọc, Phó trưởng khoa Vi sinh và Labo Lao chuẩn quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương, Hà Nội, Việt Nam
“Sau COVID-19, rất nhiều nhân viên phòng thí nghiệm làm việc trong Bệnh viện lao đã nghỉ việc – họ sợ COVID-19 và bệnh lao. Bây giờ chúng tôi có nhân viên mới cần được đào tạo, cần có kinh nghiệm và chứng chỉ”.
Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Thạc sĩ Khiếu Thị Thúy Ngọc là một phần của của các thế hệ đang chiến đấu chống lại căn bệnh này. Theo bước chân của mẹ, chị đã có 30 năm làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Thạc sĩ Ngọc đã dành hai thập kỷ sự nghiệp của mình để xét nghiệm và điều trị bệnh lao.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong những thập kỷ qua nhưng chị Ngọc đã tận mắt chứng kiến tác động của COVID-19 đối với cuộc chiến chống lại bệnh lao.
Trước khi xảy ra đại dịch toàn cầu, việc phát hiện bệnh lao đang gia tăng đều đặn ở Việt Nam với nhiều bệnh nhân được xét nghiệm và điều trị hơn mỗi năm. Nhưng đại dịch khiến việc phát hiện ca bệnh trở nên khó khăn hơn, có ít người hơn tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Ngoài ra, hàng nghìn nhân viên y tế đã rời khỏi khu vực công, khiến các nhân viên y tế mới và trẻ hơn cần được đào tạo và hỗ trợ thêm.
Chị Ngọc đang ở tuyến đầu trong những nỗ lực của Việt Nam để xây dựng trở lại tốt hơn nữa.
Ngoài việc hỗ trợ xét nghiệm tại Phòng thí nghiệm tham chiếu bệnh lao quốc gia, chị Ngọc còn đi khắp đất nước để đào tạo các kỹ thuật viên và nhân viên phòng thí nghiệm mới về xét nghiệm bệnh lao, lập kế hoạch mua sắm và cấp chứng nhận sử dụng máy GeneXpert, loại máy có thể chẩn đoán bệnh lao nhanh chóng. Vào tháng 4 năm 2023, chị đã cấp chứng chỉ cho hơn 115 kỹ thuật viên mới tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cao Văn Minh, Cán bộ chương trình HIV, Phòng khám cộng đồng G-Link, tỉnh Nghệ An, Việt Nam
“Tôi là một phần của cộng đồng này và tôi muốn giúp cải thiện cuộc sống của họ. Tôi muốn sử dụng kinh nghiệm của mình để đưa mọi người đến phòng khám.”
Cao Văn Minh, thường được biết đến với tên An, là thành viên của Phòng khám Cộng đồng G-Link kể từ khi nó được khai trương vào năm 2019. Anh không chỉ là một trong những Cán bộ Chương trình HIV đầu tiên, anh còn là khách hàng thứ ba được xét nghiệm HIV.
Nhân viên tại phòng khám thường mô tả G-Link là “Phòng khám thân thiện với cộng đồng” đầu tiên của tỉnh, tập trung vào sự tham gia của cộng đồng và các dịch vụ xét nghiệm di động tiếp cận các nhóm dân số chính, đặc biệt là những người xác định thuộc nhóm LGBTQI+ và nam quan hệ tình dục đồng giới.
Tại một sự kiện di động gần đây tại quán cà phê Gold Coffee ở Thành phố Vinh, hơn 50 bạn trẻ đã uống cà phê, nghe nhạc, chơi trò chơi kỹ thuật số và chụp ảnh selfie. An dẫn dắt các trò chơi và trao giải thưởng cho đám đông, đồng thời hướng dẫn những người tham gia đến gặp gỡ nhân viên y tế, tư vấn viên và giáo dục đồng đẳng tại chỗ và sẵn sàng kết nối từng khách hàng với xét nghiệm HIV, tư vấn sức khỏe và dịch vụ. Mỗi thanh niên rời quán cà phê đều biết tình trạng nhiễm HIV của mình và nhiều người rời quán đã tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay còn gọi là PrEP – loại thuốc có thể giảm tới 99% khả năng nhiễm HIV.
Đối với An, thân thiện với cộng đồng có nghĩa là gặp gỡ mọi người ở nơi họ đang ở và mang thông tin và dịch vụ cần thiết đến những người cần chúng nhất.
Cách tiếp cận thân thiện với cộng đồng đang mang lại hiệu quả rõ ràng, với hơn 70% khách hàng tìm hiểu về phòng khám từ đồng nghiệp của họ hoặc thông qua các hoạt động xét nghiệm di động, chẳng hạn như hoạt động tại Gold Coffee Cafe. Những sự kiện này đóng vai trò là “cửa hàng một cửa” để xét nghiệm HIV, tư vấn, đăng ký PrEP và đặt lịch hẹn khám cho các dịch vụ y tế bổ sung.
Kể từ khi thành lập, G-Link đã tiến hành hàng nghìn xét nghiệm HIV và kết nối hơn 2.100 người với dịch vụ điều trị PrEP.
Trương Thị Tâm, Nhân viên y tế tình nguyện, Trạm y tế xã, huyện Quỳ Châu, Việt Nam
“Tôi làm bằng cả trái tim và đam mê của mình. Tôi muốn giúp làng của tôi. Là một nhân viên y tế thôn bản, tôi có thể chăm sóc gia đình và cộng đồng của mình. Tôi sẽ làm điều đó cho đến khi tôi không thể nữa.
Quỳ Châu là một huyện nông thôn ở bắc trung bộ Việt Nam đã không có một trường hợp sốt rét nào kể từ năm 2016. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét đã kết thúc. Các nhân viên y tế thôn bản như Trương Thị Tâm luôn cảnh giác để bảo vệ cộng đồng của họ và những người lao động di động và di cư dễ bị tổn thương.
Trong số khoảng 7.000 cư dân của Quỳ Châu, hơn 500 người là lao động di biến động từ Châu Phi, các nước láng giềng hoặc các vùng nông thôn lân cận có rừng rậm và điều kiện thuận lợi cho muỗi. Do vậy không thể đoán trước về khả năng mắc bệnh của họ, khoảng cách để tiếp cận các dịch vụ y tế và thiếu thông tin về bệnh sốt rét có thể khiến họ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Nhưng các tình nguyện viên y tế thôn bản có những nỗ lực đặc biệt để giữ an toàn cho người lao động di biến động.
Tâm là một trong 10 nhân viên y tế thôn bản ở Quỳ Châu và cô có mối quan hệ gần gũi với hàng xóm, thường đi xe máy khắp ngôi làng rộng lớn của mình để tiếp cận gần 180 hộ gia đình ở nông thôn. Trước khi người lao động nhập cư hoặc lưu động rời khỏi làng của họ, Tâm đảm bảo rằng người lao động có màn chống muỗi tẩm hóa chất tồn lưu lâu ngày được thiết kế đặc biệt để sử dụng cùng với võng. Khi Tâm biết khi có người lao động nhập cư và lưu động trở về làng từ thông tin báo của các trưởng thôn bản và các tổ chức cộng đồng cô lập tức đến thăm nhà của họ để tiến hành sàng lọc nhanh bệnh sốt rét.
Trên khắp Việt Nam, các trường hợp mắc bệnh sốt rét đã giảm 89% kể từ năm 2016. Nền tảng của thành công đó là sự huy động và lồng ghép của các nhân viên y tế thôn bản như Tâm.
Quỹ Toàn cầu có ba khoản tài trợ chính hiện đang hỗ trợ Việt Nam, với tổng trị giá lên tới 120 triệu đô la Mỹ. Các khoản đầu tư này hỗ trợ các chiến lược của Việt Nam nhằm tiếp tục giảm các ca nhiễm mới và tử vong do HIV và bệnh lao cũng như hạn chế mối đe dọa đang diễn ra của bệnh lao kháng thuốc.
Quỹ Toàn cầu là một tổ chức đa phương được thành lập nhằm chống lại các bệnh AIDS, lao và sốt rét và đảm bảo một tương lai lành mạnh hơn, an toàn hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người. Quỹ Toàn cầu gây quỹ và đầu tư 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, những thách thức và những bất công đồng thời tăng cường hệ thống y tế tại hơn 100 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.
Bài và ảnh: Quinn Ryan Mattingly, Phóng viên Quỹ Toàn cầu