Ngày 11/7, Hội thảo tăng cường quản lý bệnh HIV tiến triển tại Việt Nam thuộc Dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì kiểm soát Dịch bệnh (EpiC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo quy tụ các chuyên gia ưu tú trong lĩnh vực chăm sóc, điều trị và nghiên cứu HIV từ trong nước và quốc tế, cũng như đại diện các nhóm cộng đồng và người nhiễm HIV.
Theo BS. Randolph Augustin, Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam, trên thế giới, Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc điều trị HIV hiệu quả và bền vững. Bảo hiểm y tế hiện nay đã hỗ trợ hơn 90% người nhiễm HIV tham gia điều trị bằng thuốc và chăm sóc miễn phí. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất thế giới.
Việt Nam cũng đề cao sự cần thiết trong việc chẩn đoán sớm và điều trị HIV nhằm ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn, và thường xuyên theo dõi bệnh nhân HIV tiến triển để đảm bảo các dịch vụ chăm sóc cần thiết.
|
Thảo luận về những vướng mắc, khó khăn hiện tại trong quản lý HIV tiến triển tại Việt Nam (Ảnh: BTC) |
Nhằm chuẩn hóa công tác chăm sóc và điều trị, Bộ Y tế đã đưa các nội dung cụ thể về chăm sóc bệnh HIV tiến triển trong Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS năm 2021 theo các khuyến nghị mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, bệnh HIV tiến triển vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam.
Một số nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá và phân tích thực trạng của việc quản lý bệnh HIV tiến triển cũng như đưa ra các khuyến nghị để tăng cường cải thiện việc quản lý bệnh HIV tiến triển.
Theo một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Y Hà Nội, chỉ có 8 trên 100 cơ sở điều trị làm được các xét nghiệm đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh HIV khi bắt đầu điều trị ARV, là các xét nghiệm rất cần thiết trong việc xác định HIV tiến triển. Ngoài ra, hơn 80% cơ sở không phát hiện được nấm và vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội do hạn chế về phương tiện chẩn đoán. Điều này cũng gây khó khăn cho điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội.
TS. BS. Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số khuyến nghị từ nghiên cứu: “Nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển, Việt Nam cần nâng cấp, cung ứng đầy đủ trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, cũng như đảm bảo nguồn thuốc điều trị, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến dưới như tuyến huyện. Ngoài ra, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân HIV về chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển cũng rất cấp thiết.”
Đại diện Dự án EpiC do USAID tài trợ cũng chia sẻ kết quả đánh giá tại ba cơ sở điều trị HIV ở tỉnh Tây Ninh về tỷ lệ mắc bệnh HIV tiến triển, tỷ lệ nhiễm trùng cơ hội và tỷ lệ tử vong trên nhóm người bệnh này. Cứ năm ca tử vong ở người nhiễm HIV thì có bốn ca là do bệnh HIV tiến triển.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam hiện đang tích cực hợp tác với các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu, và các tổ chức quốc tế để giải quyết những thách thức do bệnh HIV tiến triển đặt ra.
|
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV AIDS (Ảnh: BTC) |
PGS. TS. BS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV. Thông qua việc phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đẩy mạnh việc áp dụng các kinh nghiệm và thực hành tốt trên thế giới nhằm quản lý bệnh HIV tiến triển hiệu quả hơn. Định hướng chiến lược này giúp Việt Nam tận dụng được các giải pháp sáng tạo và nghiên cứu tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực này.
Từ năm 1998, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng chống, chẩn đoán và điều trị HIV. Hội thảo này là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm chấm dứt đại dịch AIDS, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV. Hội thảo sẽ góp phần cải thiện việc phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và quản lý tổng thể bệnh HIV tiến triển, nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người bệnh HIV tại Việt Nam.