Nổi da gà, nổi gai ốc thực ra là hiện tượng co cơ dựng lông, dưới sự chỉ bảo của hệ thần kinh thực vật và hoóc-môn adrenalin. Nổi da gà, theo ý tạo hóa, trước hết là động tác giữ ấm cơ thể, sau là giao diện bất đắc dĩ của một vài cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, thích thú, phấn khích…
Câu hỏi là tình dục mắc gì làm người ta sởn gai ốc? Không khó trả lời, nguyên cớ từ hai cảm xúc sợ hãi quá hoặc phấn khích quá mà ra. Phấn khích “ai cũng biết là ai đấy”, thế thì có gì để người trong cuộc phải hoảng hồn?
Dễ hiểu, không ít tân nương, tân lang, phải “sống trong sợ hãi” trong đêm động phòng hoa chúc do chưa quen với da thịt trần trụi người khác phái, lần đầu làm cái việc xác thịt và còn đối diện với những cơn đau xé toang hay bạo hành của người phối ngẫu.
Dù trạng huống cảm xúc là gì thì đám da gà lố nhố xấu hổ thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ban sơ mới về, rồi đâu lại vào đấy. Riêng với các cặp đôi thành thân từ tám hoánh mà gần nhau lại “dựng tóc gáy”, thì cớ sự chỉ có thể do “tật” bẩm sinh hệ giao cảm quá nhạy cảm, thể hiện quá đáng với món quà thịnh tình từ chăn gối. Nó có vẻ giống với người nổi da gà khi nhận được tin trúng số độc đắc.
Đa phần, chứng cường giao cảm không mang lại rắc rối đáng nói. Tuy nhiên, dù không tác động trực tiếp, người ta vẫn khuyên quý ông, quý anh nào may mà rủi có hệ thần kinh nhanh nhẩu đoảng kiểu này cần cảnh giác chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” và tệ hơn là chứng “thượng mã phong”.
Chưa kể, nó còn biến thành trở ngại tâm lý. Rõ là trông hơi mất mặt với người phụ nữ của mình, khi các ông phải trưng ra bộ da đầy gai ốc, hao hao vẻ một cậu học trò trói gà không chặt gãi đầu, vo ve áo.
Gút lại, với ca dễ mà khó của bạn, thử đợi một thời gian người quen việc, kết hợp tảng lờ xem có hết không. Nếu cớ sự là do tạng người, do giao cảm, nội tiết tố, cần tính kiểu khác. Một ít thuốc an thần, thuốc chẹn giao cảm có thể cần tính đến. Sau cùng, câu hỏi là bạn có “nghiêm trọng hóa” vấn đề quá không?