Nhiều trẻ tử vong vì đuối nước
Gần đây nhất là vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, khiến 3 chị em ruột tử vong ở hồ nước sau nhà.
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, sáng 25/5, bé N.T.N.Q. (SN 2013, chị gái) cùng 2 em trai N.H.T.Đ (SN 2014) và N.Đ.Y (SN 2017; cùng trú phường Báo An, TP Phan Rang – Tháp Chàm) chăn dê tại khu vực ruộng phía sau nhà.
Đến trưa, người nhà không thấy 3 em về nên đi tìm và phát hiện cả 3 đã chết đuối tại một hồ nước mà người dân đào gần đó.
Trước đó, một vụ đuối nước tại biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cướp đi sinh mạng 3 em học sinh lớp 7. Báo Tiền Phong đưa tin vụ việc, vào khoảng 14h ngày 25/3, một nhóm khoảng 10 em học sinh lớp 7, Trường THCS Quang Trung, xuống biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để tắm biển.
Trong lúc tắm, do sóng to, 3 em bị nước cuốn trôi, mất tích. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã có mặt hỗ trợ tìm kiếm tung tích các em học sinh.
|
Người dân cùng lực lượng chức năng tìm kiếm tung tích học sinh mất tích ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: Tiền Phong. |
Cũng trong tháng 3/2023, một vụ đuối nước khác cũng vô cùng đau xót khi 3 người trong một gia đình chết đuối tại giếng làng ở xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, khoảng 12h trưa ngày 4/3, gia đình ông T.Đ.L không thấy 2 con và cháu ngoại về ăn cơm nên đã đi tìm. Đến khu vực giếng làng cách nhà khoảng hơn 100m thì tá hỏa phát hiện thi thể cháu trai là N.Q.H (11 tuổi) tử vong.
Sau đó, người thân tiếp tục phát hiện thêm thi thể T.Đ.T. (SN 1999) cùng em gái T.T.N.B. (SN 2003) ở cạnh đó.
Theo người dân nơi đây, tại khu vực giếng làng nơi các nạn nhân gặp nạn cách đây hơn nửa năm, một cháu bé vừa bị đuối nước tử vong. Giếng làng nước sâu, bốn bên kè đá dốc, trơn trượt, không có gì bấu víu, sẩy chân xuống thì rất dễ đuối nước.
Theo báo Hà Nam, ngày 8/6/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam tiếp nhận liên tục 2 bé gái dưới 2 tuổi nhập viện vì đuối nước. Một bé sinh năm 2020 quê ở Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, một bé quê ở phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên. Nằm viện được khoảng 1 ngày, hai cháu đã tử vong.
Tháng 4/2022, nhiều địa phương cũng ghi nhận các trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, trong đó có vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong tại tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, theo báo Vietnamnet, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 10/4/2022, người dân và gia đình các nạn nhân phát hiện ba cháu chết đuối tại ao của một gia đình ở buôn Ea Lê xã DliêYa, huyện Krông Năng. Các nạn nhân là Ng.Th.H.G, sinh năm 2007 học sinh lớp 8H trường Trung học cơ sở Ama Trang Lơng, em Ng.Th.Ng.Tr, sinh năm 2012 học sinh lớp 4 và em M.Th.D, sinh năm 2010 học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đều trú tại buôn Ea Lê, xã ĐliêYa, huyện Krông Năng.
Nhiều vụ trẻ em chết đuối cũng xảy ra trong năm 2021. Theo báo Dân Trí, vào tháng 7/2021, cháu ngoại của ông Cao Đình M. (trú tại thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là Cao A.Q. (SN 2011), trong lúc người lớn đi làm vắng, đã tự ra vườn chơi và không may rơi xuống ao cá của gia đình, bị đuối nước, tử vong. Cái chết oan uổng của cháu bé để lại nỗi đau và sự hối hận khôn nguôi của người lớn khi không quản lý chặt con trẻ.
Tháng 8/2021, một bé trai 10 tuổi bị đuối nước ở ao cá hàng xóm tại thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa. Ngày 12/9, tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, ao cá của gia đình cũng đã cướp đi sinh mạng của cháu Đinh T.K. (SN 2017).
Để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra, việc trang bị kỹ năng chống đuối nước, sơ cứu người bị đuối nước là rất quan trọng.
Cách phòng, chống đuối nước
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn dưới nước. Vì vậy, học bơi, trang bị kỹ năng dưới nước là một trong những giải pháp hữu hiệu để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ tai nạn thương tích và phòng tránh đuối nước.
Một số kỹ năng phòng, chống đuối nước theo Viện Khoa học an toàn Việt Nam:
- Kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước
Khi bị rơi xuống nước, tâm lý của chúng ta thường rất hoảng loạn. Ngay cả những người biết bơi cũng có nguy cơ chết đuối nếu bị rơi xuống nước bất ngờ. Để có thể tự cứu mình thoát khỏi chết đuối ngay cả khi không biết bơi, bạn cần:
Bước 1: Đầu tiên là phải tự sốc lại tinh thần, lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, biến cơ thể thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Bước 3: Khi cơ thể đã đẩy lên mặt nước bạn dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, chuyển động về phía trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi nhô được lên mặt nước cố gắng ra tín hiệu cầu cứu để có người hỗ trợ nhanh nhất có thể.
- Kỹ năng cứu đuối và sơ cứu đuối nước đúng cách
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
+ Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu. Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi.
+ Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
+ Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
+ Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Đuối nước ở trẻ em: Hiểm họa từ ao làng, sông suối