|
Thuốc Đông y gồm 3 nguồn: Thuốc lấy từ động vật, khoáng vật và thực vật. |
Thuốc Đông y gồm 3 nguồn: Thuốc lấy từ động vật như mật gấu, giun, rết, mai mực...; lấy từ khoáng vật như thạch cao, hoạt thạch... Đa số lấy từ thực vật như lá, cành, hoa, quả, của rất nhiều loại cây. Thuốc có 5 vị (chua, cay, đắng, mặn ngọt), 4 khí (nóng, lạnh, ấm, mát) và màu (vàng, đỏ, đen, trắng, xanh...).
Mỗi màu mỗi vị lại tác động vào một cơ quan nhất định. Muốn chữa bệnh ở đâu cần chọn vị cho đúng. Như vậy, từ đúc kết thực tiễn và tất nhiên con người cũng phải trả giá cho các tổng kết này. Đời xưa chưa có phương tiện để phân tích xem thuốc đó có chất gì, những chất đó lợi đến đâu hại đến đâu, bao lâu sau thì gây hại.
Việc dùng thuốc phụ thuộc vào hai đối tượng: Thứ nhất là người cho thuốc (thầy thuốc), thứ hai là người dùng thuốc (bệnh nhân). Đông y cho thuốc theo hội chứng, thầy thuốc cần có kiến thức tổng quát để cho thuốc chữa phối hợp. Khi phối hợp các vị thuốc cần lưu ý, có vị thuốc tăng tác dụng của nhau, có vị thuốc phản tác dụng của nhau. Khám qua loa hoặc ít y lý thường cho thuốc chung chung, người bệnh dùng kém hiệu quả, dùng kéo dài.
Người bệnh cần được thầy thuốc dặn cách uống thuốc. Thuốc có dạng viên (hoàn) viên nhỏ tác dụng mạnh là đan, có dạng bột là tán, có dạng cao. Thuốc uống nóng cho ra mồ hôi để giải cảm, thuốc thông thường uống ấm, thuốc uống lạnh quá, hoặc để qua đêm có thể bị ỉa lỏng, hoặc dễ buồn nôn. Nếu là thuốc thang cần sắc thuốc, người bệnh cần biết các vị thuốc cùng sắc hay có vị sắc trước, có vị cho vào sau.
Thí dụ, thuốc có ma hoàng nên đun trước gạt bỏ bọt. Các vị thuốc có mùi thơm thường cho vào sau. Thuốc thường có thang - người bệnh tự kiếm thang hay trong thang thuốc đã có - thí dụ cần cho ba lát gừng, thì gừng cần cho vào sau lúc sắp chắt thuốc ra. Có nhiều loại thuốc tán, uống với nước bạc hà, đun nước bạc hà để uống thuốc đấy cũng gọi là thang.
Uống thuốc cũng cần biết phải kiêng thức ăn gì. Điều này thầy thuốc cần dặn kỹ người bệnh, quy định chung là nếu chữa bệnh nhiệt cần dùng thuốc lạnh, thuốc mát, thức ăn cần kiêng là các thứ nóng. Ngược lại, chữa bệnh lạnh (thí dụ tỳ vị hư hàn, thận dương hư) cần dùng thuốc ấm nóng thì thức ăn cần kiêng là các thức ăn mát lạnh.