Nhà tôi vừa tổ chức đám cưới cho em gái. Đáng lẽ ngày vui đã được trọn vẹn nếu không có sự phá đám của hàng xóm. Kể ra thì thật oái oăm. Ngày cưới của em tôi lại là ngày ông hàng xóm qua đời. Khổ một nỗi, khi ấy rạp phía nhà tôi đã dựng, cũng không thể đặt mâm cỗ ở một nhà hàng khác với thời gian gấp gáp như vậy. Vì thế dù bất tiện, chúng tôi đành phải tiếp tục tổ chức tại nhà.
Biết gia đình bên ấy cũng tang gia bối rối, tôi đã sang tận nơi để thăm viếng, đồng thời nói họ nên hạn chế kèn trống. Thứ nhất là người mất đã mất rồi, kèn trống rình rang cũng chẳng để làm gì. Chưa kể ông hàng xóm thọ gần trăm tuổi, cũng chẳng còn điều gì nuối tiếc để các con cháu phải vật vã khóc lóc. Thứ hai là gia đình tôi ngay bên cạnh có đám cưới. Nếu tiếng nhạc xập xình lại lẫn vào tiếng kèn đám ma thì còn gì là ngày vui nữa.
|
Chưa được 10 phút sau, nhà họ đã sang sân nhà tôi chửi bới, nói chúng tôi không biết điều. (Ảnh minh họa) |
Tôi đã đến tận nhà nói chuyện, vậy mà khi phát tang, nhà hàng xóm vẫn khóc lóc inh ỏi. Tiếng nhạc đám tang của họ át cả tiếng nhạc cưới nhà tôi, khiến khách đến nhà tôi ai cũng ái ngại, cười còn chẳng dám cười, đến bữa ăn, họ ăn vội vàng rồi đứng lên ra về.
Đến lúc em tôi về nhà chồng, chúng tôi cố tình vặn loa to một chút để khoảnh khắc trọng đại không bị ảnh hưởng bởi nhà hàng xóm. Chưa được 10 phút sau, nhà họ đã sang sân nhà tôi chửi bới, nói chúng tôi không biết điều.
Bây giờ chuyện của cả hai nhà đều đã xong, nhưng mâu thuẫn từ hôm ấy vẫn chưa được giải quyết. Hôm nay anh trai khuyên tôi nên sang nhà hàng xóm để giảng hòa. Có điều tôi vẫn suy nghĩ không biết có nên làm chuyện này hay không. Vì rõ ràng họ là những người đã không biết sống ngay từ đầu. Mọi người cho tôi lời khuyên với, hàng xóm mở mắt ra là thấy nhau, tôi có nên kéo dài tình trạng này không?