1. Chỉ dựa vào kem chống nắng
Không có loại kem chống nắng nào có thể ngăn 100% tia UV của mặt trời. Đừng cho rằng chỉ cần thoa lớp kem chống nắng là bạn có thể thoải mái vận động ngoài trời. Thực tế, chúng ta phải tránh tiếp xúc với ánh nắng bất cứ khi nào có thể. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bạn cần mặc quần áo, mũ và kính râm để che chắn.
Ngoài kem chống nắng, bạn nên dùng các loại vải tối màu, đan dệt chặt sẽ mang lại hiệu quả chống tia cực tím cao. Tốt hơn, hãy chọn quần áo có nhãn chỉ số chống tia cực tím (UPF). Hiện trên thị trường có các sản phẩm quần áo có chất liệu chống tia cực tím rất tốt, chỉ 2% tia nắng mặt trời có thể xuyên qua.
|
Ảnh minh họa |
2. Dùng kem chống nắng mở nắp quá lâu
Chuyên gia cho biết thời gian dùng lý tưởng của kem chống nắng là từ 6-8 tháng kể từ ngày mở nắp, trước khi hết hạn sử dụng. Đây là thời điểm chất lượng kem được đảm bảo, không bị biến chất làm hại da. Để không mắc lỗi dùng kem chống nắng này, bạn nên dùng bút ghi trên chai ngày mở. Nếu không thể nhớ ngày mở nắp, bạn nên vứt bỏ chúng nếu nghi ngờ quá thời gian trên.
3. Chỉ áp dụng khi trời nắng
Trang tin AAD (Mỹ) cho biết, chỉ khoảng 20% người Mỹ sử dụng kem chống nắng vào những ngày nhiều mây. Trong khi đó, mặt trời phát ra các tia UV có hại quanh năm. Ngay cả trong những ngày nhiều mây, có tới 80% tia UV có thể xuyên qua da bạn. Để bảo vệ da, giảm nguy cơ ung thư da, hãy thoa kem chống nắng mỗi khi ra ngoài.
4. Sử dụng lượng kem chống nắng quá ít
Hầu hết mọi người chỉ thoa 25-50% lượng kem chống nắng được khuyến cáo. Thực tế, người trưởng thành cần khoảng 1 ounce (hơn 28g – lượng kem đủ để đổ đầy một ly thủy tinh nhỏ) kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể và lượng kem kích cỡ bằng 1 đồng xu riêng cho vùng mặt.
Nguyên tắc khi dùng kem chống nắng là thoa kem che phủ tất cả các vùng da không được che phủ bởi quần áo. Thoa kem chống nắng 15 phút trước khi ra ngoài trời và thoa lại sau 2 giờ khi ở ngoài trời hoặc sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.
|
Ảnh minh họa. |
5. Không tẩy trang sau khi dùng kem chống nắng
Không trang điểm nhưng dùng kem chống nắng vẫn cần tẩy trang hàng ngày. Thực vậy, kem chống nắng cũng như các lớp trang điểm, đều chứa gốc dầu nên phải tẩy trang mới có thể làm sạch hoàn toàn lớp kem đã thoa. Bỏ qua bước này, da mặt dễ bết dầu khiến vi khuẩn, bụi bẩn bám vào lỗ chân lông gây bít, dễ bị mụn, lão hóa.
6. Sử dụng kem chống nắng dạng xịt
So với dạng bôi, kem chống nắng dạng xịt không thực sự hiệu quả bằng. Lý do đơn giản là bạn khó có thể biết mình sử dụng đủ lượng để bảo vệ da chưa.
7. Chỉ bôi kem chống nắng cho mặt
Jeanine Downie - bác sĩ da liễu được chứng nhận bởi hội đồng quản trị ở Montclair (New York) cho biết: “Hầu hết chúng ta chỉ chú trọng bôi kem chống nắng vùng mặt mà bỏ qua phần tai, môi và gáy. Đáng tiếc, đây lại là những vị trí thường gặp nhất với ung thư biểu mô tế bào đấy và tế bào vảy.
8. Bôi kem chống nắng quá muộn
Bác sĩ da liễu Steven Rotter – người phát ngôn của Tổ chức Ung thư Da cho biết, hầu hết các loại kem chống nắng hóa học cần thoa 30 phút trước khi đi ra ngoài nắng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các thành phần trong kem kích hoạt, hấp thụ tia UV.
Chỉ các loại kem chống nắng vật lý với các thành phần như oxit titan, oxit kẽm mới có tác dụng chặn tia UV ngay sau khi thoa. Loại kem chống nắng này chặn tia UV theo đúng nghĩa đen như một lớp rào cản thay vì hấp thụ chúng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Nắng nóng kỷ lục và sự thích nghi của con người