Sau hai biến chủng B.1.1.7 ở Anh và B.1.351 ở Nam Phi, các nhà khoa học giờ tập trung vào biến chủng P.1 có nguồn gốc từ Brazil với những quan ngại trước một số đặc tính nguy hiểm của nó.
Mới đây, ba nghiên cứu đã được hoàn thành, cung cấp những hiểu biết ban đầu về sự xuất hiện và lan rộng của biến chủng P.1 ở thành phố Manaus của Brazil, theo New York Times.
Hiểu biết ban đầu về biến chủng Brazil
Biến chủng P.1 nhiều khả năng bắt đầu xuất hiện từ tháng 11/2020. Nó chính là tác nhân khiến số ca mắc virus corona ở thành phố Manaus tăng cao kỷ lục. Nghiên cứu cho thấy biến chủng này nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị bởi khả năng lây nhiễm mạnh hơn các chủng virus khác.
Không dừng lại ở đó, P.1 sở hữu một đặc tính được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nó có khả năng vượt qua hệ miễn dịch của những người từng mắc Covid-19 trong quá khứ.
Các thí nghiệm cho thấy P.1 cũng có khả năng vô hiệu hóa hệ miễn dịch tạo ra nhờ tiêm vaccine CoronaVac, loại vaccine do tập đoàn Sinovac của Trung Quốc sản xuất đang được sử dụng ở Brazil.
|
Nhân viên đào huyệt mộ tại nghĩa trang ở Manaus, Brazil. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù vậy, hiện chưa rõ biến chủng này phản ứng như thế nào đối với hệ miễn dịch tạo ra từ các loại vaccine do phương Tây phát triển như Pfizer-BioNTech, Moderna hay AstraZeneca.
Các nhà khoa học cảnh báo nghiên cứu mới chỉ là ban đầu và những hiểu biết về biến chủng P.1 hiện còn sơ khai. Đồng thời, kết quả trong phòng thí nghiệm không phản ánh hoàn toàn những gì diễn ra trên thực tế.
"Kết quả nghiên cứu đúng với những gì xảy ra ở Manaus, nhưng tôi không chắc nó có đúng với những nơi khác hay không", tiến sĩ Nuno Faria, nhà vi sinh học từ Đại học Imperial College London, cho biết.
Ngay cả khi vẫn còn nhiều bí ẩn xoay quanh P.1, các chuyên gia cảnh báo đây là biến chủng đáng lo ngại cần quan tâm "nghiêm túc".
"Việc chúng ta từng đặt ra quan ngại đối với P.1 trước đây là hoàn toàn chính xác, và dữ liệu này cho chúng ta lý do", ông William Hanage, chuyên gia về dịch bệnh tại Đại học Harvard, nhận xét.
Biến chủng P.1 giờ đã lây lan khắp Brazil. Biến chủng này cũng đã được phát hiện ở 24 quốc gia.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ghi nhận 6 ca nhiễm biến chủng P.1 ở 5 tiểu bang gồm Alaska, Florida, Maryland, Minnesota và Oklahoma.
Để giảm nguy cơ biến chủng P.1 bùng phát hoặc người từng mắc Covid-19 tái lây nhiễm biến chủng này, tiến sĩ Faria cho biết điều quan trọng là cần tăng cường các biện pháp phòng dịch để ngăn virus phát tán.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Brazil. Ảnh: Reuters. |
Đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội hiển nhiên hiệu quả trong giảm nguy cơ nhiễm biến chủng P.1. Ngoài ra, tiêm chủng cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm, đồng thời bảo vệ người mắc bệnh khỏi các triệu chứng nặng.
"Cần đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng sớm nhất có thể. Chúng ta cần đi trước virus một bước", ông Faria cho biết.
Đột biến khiến P.1 lây lan mạnh
Tiến sĩ Faria và các cộng sự bắt đầu truy vết virus corona khi các đợt bùng phát xuất hiện ở Brazil mùa xuân năm ngoái.
Manaus, thành phố 2 triệu dân ở khu vực Amazon, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Tại thời gian cao điểm vào mùa xuân 2020, các nhà hỏa táng ở Manaus thường xuyên quá tải vì thi thể người tử vong do Covid-19.
Sau tháng 4/2020, Manaus dường như đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng đã có miễn dịch cộng đồng ở Manaus.
Tiến sĩ Faria và các cộng sự tìm kiếm kháng thể virus corona trong các mẫu máu ở Manaus trong giai đoạn tháng 6-10/2020. Các nhà khoa học tin rằng khoảng 75% người dân Manaus đã nhiễm bệnh.
Nhưng đến cuối năm 2020, các ca nhiễm bệnh mới tăng mạnh trở lại.
"Thực tế, số ca bệnh mới còn cao hơn đỉnh dịch trước đó vào cuối tháng 4/2020. Đó là câu hỏi cần lời giải đáp", tiến sĩ Faria nói.
|
Khu chăm sóc tích cực trong bệnh viện Gilberto Novaes ở Manaus. Ảnh: AFP. |
Nhóm của ông Faria nghi ngờ biến chủng mới có thể là nguyên nhân sau đợt bùng phát này. Trong lúc đó, ở Anh, các nhà khoa học phát hiện biến chủng B.1.1.7 đang lan rộng khắp cả nước.
Để tìm kiếm biến chủng mới, nhóm của tiến sĩ Faria bắt đầu giải trình tự gene các mẫu virus phát hiện ở Manaus. Thay vì B.1.1.7, các nhà khoa học tìm thấy một biến chủng mới chưa từng được phát hiện.
Virus trong nhiều mẫu được phát hiện có chung bộ 21 đột biến chưa từng có tại Brazil. Tiến sĩ Faria khi đó tin rằng họ đã phát hiện một biến chủng lạ "đáng lo ngại".
Trong bộ 21 đột biến, một số đột biến khiến ông đặc biệt lo ngại bởi chúng cũng từng xuất hiện trên các biến chủng B.1.1.7 và B.1.351.
Thí nghiệm cho thấy một số đột biến tăng cường khả năng xâm nhập tế bào con người của virus. Một số đột biến khác giúp virus vượt qua kháng thể tạo ra nhờ tiêm chủng hoặc sau lần mắc bệnh trước đây.
Tại Nhật Bản, các nhà khoa học cũng có phát hiện tương tự nhóm của tiến sĩ Faria. 4 du khách Nhật Bản trở về từ chuyến đi Amazon ngày 4/1 xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trình tự gene của virus trên 4 người này có bộ đột biến tương tự kết quả của tiến sĩ Faria.
Ban đầu, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ biến chủng P.1 lan rộng ở Manaus có thể bởi nó xuất hiện cùng thời gian thành phố này đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch.
Nhưng tới tháng 2, sau khi kết hợp dữ liệu phân tích trình tự gene, kháng thể và ghi chép y tế ở Manaus, nhóm của tiến sĩ Faria kết luận P.1 trở thành biến chủng thống trị nhờ tiến hóa sinh học.
Các đột biến đã giúp P.1 lây lan mạnh. Các nhà khoa học ước tính P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus cũ từ 40-120%.
Vô hiệu hóa vaccine
Một trong những lý do khiến biến chủng P.1 có lợi thế là đột biến đã giúp nó vượt qua bức tường kháng thể.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong tổng số 100 người từng mắc các chủng virus corona không phải P.1, có khoảng 25-61 người đối mặt nguy cơ tái mắc Covid-19 nếu tiếp xúc với biến chủng P.1.
Khi cho biến chủng P.1 tiếp xúc với kháng thể từ những người đã mắc Covid-19 trước đó, các nhà khoa học phát hiện biến chủng này giảm hiệu quả của kháng thể xuống 6 lần so với các chủng virus khác.
Dữ liệu này cho thấy sẽ có những người từng hồi phục sau khi mắc Covid-19 đối mặt nguy cơ tái nhiễm bệnh bởi biến chủng P.1.
Tiến sĩ Faria cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn ca nhiễm trong làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Manaus là hậu quả của biến chủng P.1.
|
Biến chủng P.1 có khả năng vượt qua kháng thể tạo ra từ vaccine do Sinovac phát triển. Ảnh: Getty. |
Tiến sĩ Ester Sabino, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Sao Paulo, cho biết một trong các đượt bùng phát mới đã xảy ra ở thành phố Araraquara. Tại đây, tỷ lệ người mắc Covid-19 duy trì ở mức tương đối thấp cho đến khi biến chủng P.1 xuất hiện.
Bà Sabino cho biết nếu số người mắc Covid-19 do biến chủng P.1 gây ra tăng mạnh ở Araraquara, tình trạng này sẽ xuất hiện ở nhiều thành phố khác.
Trong thí nghiệm với các mẫu bệnh phẩm ở Manaus, tiến sĩ Faria cũng thử nghiệm phản ứng của kháng thể từ 8 người được tiêm vaccine CoronaVac do Sinovac phát triển. Đây là loại vaccine được dùng phổ biến ở Brazil.
Kết quả cho thấy kháng thể trong máu những người được tiêm vaccine CoronaVac bị giảm hiệu quả trong đối phó với biến chủng P.1. Mặc dù vậy, tiến sĩ Faria cho rằng vaccine vẫn có khả năng bảo vệ người mắc biến chủng P.1 khỏi các triệu chứng bệnh nặng.
Michael Worobey, chuyên gia virus tại Đại học Arizona, cảnh báo đã đến lúc quan tâm tới nguy cơ biến chủng P.1 lây lan tại Mỹ cũng như các khu vực khác trên thế giới.
Ông Worobey cho rằng biến chủng P.1 sẽ sớm phổ biến và cạnh tranh với các biến chủng đang lây lan mạnh như B.1.1.7. Đây sẽ là một kịch bản đáng báo động.
Bác sĩ Charles Chiu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học California, cảnh báo việc hai biến chủng mạnh song song tồn tại trong cộng đồng mở ra khả năng chúng đồng thời xâm nhập cơ thể một cá nhân. Tại đây, hai biến chủng sẽ trao đổi chéo đột biến cho nhau, tạo ra một biến chủng virus corona mới thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Theo tiến sĩ Sabino, sự xuất hiện của biến chủng P.1 là lời cảnh báo rằng những biến chủng đáng lo ngại có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới.
"Nó chỉ là vấn đề thời gian và xác suất", bà Sabino cho biết.
Tại Brazil, dịch bệnh tiếp tục diễn biến tồi tệ chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuần qua, số người chết tại Brazil đã đạt kỷ lục mới với trung bình 1.208 ca tử vong/ngày. Lúc này, các bệnh viện đều chật kín bệnh nhân, theo Washington Post.
“Nếu không có biện pháp gì được triển khai, đến tháng 3, người dân có thể sẽ tranh giành nhau giường bệnh, và thậm chí là cả những ngôi mộ trong nghĩa trang", ông Domingos Alves, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tình báo Y tế tại Đại học Sao Paulo, nói.