Ngày còn trẻ, tôi đi lao động nước ngoài, kiếm được bao nhiêu tiền gửi về cho bố mẹ hết. Khi hết thời hạn làm việc, tôi về nước và biết được bố mẹ đã dùng hết tiền của tôi gửi về mua đất xây nhà.
Tôi buồn lắm, trách bố mẹ không hỏi ý kiến của con gái. Bố bảo sau này bố mẹ khuất, nhà này thuộc về tôi, có mất đi đâu mà tôi giận hờn. Với lại số tiền bố mẹ bỏ ra nuôi dưỡng cho tôi ăn học thành người và tiền đi lao động nước ngoài còn lớn hơn số tiền mà tôi gửi về. Bố mẹ không tính toán thì thôi, sao tôi phải tính chi li làm gì. Tất cả những lời bố nói là đúng, tôi không thể cãi được.
Vậy là những năm làm việc nơi xứ người tôi trắng tay, tôi ra thành phố bắt đầu làm lại từ đầu. Vài năm sau đó, tôi lấy chồng và thuê phòng trọ sống. Cuộc sống của gia đình tôi khó khăn đủ bề. Công ty của chồng ít việc, thời gian nghỉ nhiều hơn đi làm nên lương chẳng được bao nhiêu. Vô tình, tôi trở thành người gánh vác kinh tế chính trong gia đình.
1 tuần trước, bố tôi mất sau đúng 1 năm mẹ tôi qua đời. Nỗi đau cũ chưa nguôi ngoai, nỗi đau mới đã ập tới. Sau này chỉ còn hai chị em tôi nương tựa vào nhau.
Sau đám tang của bố, chị em tôi thu dọn đồ đạc của bố mang bỏ đi. Em trai tôi bất ngờ tìm được bản di chúc của bố được để cẩn thận trong chiếc hộp đặt ở góc tủ. Lúc có mặt đông đủ mọi người, em tôi công khai di chúc.
Từng lời trong di chúc của bố để lại làm tôi đau nhói nhưng không dám nói ra sự thật. Bố tôi để lại toàn bộ đất và ngôi nhà cho vợ chồng em trai tôi. Còn đứa con gái làm việc cực khổ vất vả nơi xứ người kiếm từng đồng tiền gửi về cho bố mua đất làm nhà thì chẳng được gì.
Nếu bây giờ tôi nói chuyện tiền mua đất và nhà là do tôi bỏ ra hết, chắc chắn chị em sẽ xảy ra tranh chấp. Chồng tôi biết chuyện sẽ nghĩ thế nào về gia đình tôi? Lẽ nào, tôi phải thừa nhận ngôi nhà đó là của em trai để bảo vệ tình cảm chị em sao?