Nếu từng bị hụt hơi, bạn sẽ biết cảm giác thiếu không khí đáng sợ như thế nào. Khó thở là tác dụng phụ của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú, phổi và ung thư từ các cơ quan khác di căn đến phổi.
Khó thở có thể xảy ra dần dần hoặc đột ngột, khác nhau về mức độ và tần suất của các đợt. Đối với một số người, khó thở xuất hiện khi gắng sức, chẳng hạn như tập thể dục, đi bộ lên cầu thang, làm việc nhà.
|
Ảnh minh họa: Tatanutrikorner |
Nguyên nhân gây ra chứng khó thở
Những người bị ung thư có thể khó thở vì nhiều lý do. Ví dụ, một khối u chặn đường thở, đè lên phổi hoặc gây viêm đường dẫn khí. Các phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là đối với phổi, cũng có khả năng làm tổn thương bộ phận này hoặc gây ra các phản ứng phụ dẫn đến khó thở.
Việc chữa chứng khó thở và triệu chứng kèm theo rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân nền. Điều trị có thể bằng thuốc chống viêm và steroid, thuốc thúc đẩy sản xuất hồng cầu, điều trị lo lắng.
- Nếu bạn bị tắc nghẽn đường thở, bác sĩ cố gắng thu nhỏ khối u bằng hóa trị, xạ trị, dùng stent để giữ cho đường thở được mở.
- Nếu bạn bị tràn dịch màng phổi, bác sĩ nội soi lồng ngực để rút chất lỏng ra khỏi phổi.
- Nếu thiếu máu gây khó thở, bạn có thể được truyền hồng cầu.
- Nếu mức oxy trong máu thấp, bạn có thể nhận được oxy bổ sung.
Điều trị khó thở cũng bao gồm các kỹ thuật và thay đổi lối sống để giúp giảm các triệu chứng. Ví dụ, bác sĩ áp dụng vật lý trị liệu để tăng cường các cơ yếu, tăng dung tích phổi và giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Khó thở có nguy cơ gây rắc rối về thể chất và tinh thần, đặc biệt khi bạn đang chữa ung thư. Cảm xúc lo lắng xuất hiện khi có chẩn đoán ung thư góp phần gây khó thở. Cảm giác khó thở cũng có thể khiến bạn lo lắng, có thể dẫn đến khó thở thêm.
Khó thở không chỉ gây khó chịu mà còn cản trở các hoạt động thường ngày của bạn, khiến bạn mất ăn mất ngủ. Điều quan trọng là phải tìm cách quản lý chứng khó thở để cải thiện nhịp thở và chất lượng cuộc sống.
|
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp giảm khó thở. Ảnh: Cnet |
Mẹo giảm khó thở
- Sử dụng kỹ thuật thở có kiểm soát: Hít thở chậm, đều bằng cách hít vào sâu bằng mũi đếm 2 và thở ra đếm 4. Khi thở ra, hãy khép môi lại như thể bạn đang từ từ thổi tắt một ngọn nến.
- Điều chỉnh hoạt động của bạn: Lập kế hoạch hàng ngày để sử dụng năng lượng vào các hoạt động quan trọng nhất trước tiên và hạn chế các việc không cần thiết. Nếu bạn bị hụt hơi, hãy dừng lại và nghỉ ngơi. Tránh lên xuống cầu thang nhiều lần, nên nghỉ ngơi giữa và trong các hoạt động.
- Cố gắng thư giãn: Khi bạn cảm thấy khó thở, điều quan trọng là phải bình tĩnh vì lo lắng có thể làm cho vấn đề hô hấp trở nên tồi tệ hơn. Bác có thể thư giãn, thiền định hoặc massage.
- Hít thở không khí trong lành, mát mẻ: Thông gió tốt với độ ẩm thấp giúp giảm bớt một số triệu chứng khó thở. Hạ nhiệt độ trong phòng, mở cửa sổ và loại bỏ khói và lông thú cưng. Tránh phòng đông người, nhiệt độ ấm áp và mùi khó chịu.
- Vận động nhẹ: Mặc dù bạn không muốn tập thể dục, nhưng việc duy trì hoạt động thể chất có thể hữu ích nếu bác sĩ cho phép. Hãy thử các bài tập nhẹ nhàng, kéo giãn nhẹ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn uống cân bằng cung cấp năng lượng mà cơ thể bạn cần để chữa bệnh và hoạt động. Hãy thử ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày, thay vì 3 bữa chính. Tránh thức ăn khó nhai. Uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng giúp lập kế hoạch ăn uống.
- Theo dõi các triệu chứng của bạn: Đối với một số người, khó thở có thể đoán trước được. Ví dụ, bạn cảm thấy khó thở khi leo cầu thang hoặc hoạt động thể chất. Nếu bạn nhận thấy tình trạng lặp lại, hãy tránh hoặc hạn chế những hoạt động đó. Cố gắng đề phòng những tình huống khiến bạn căng thẳng hoặc lo lắng để có thể học cách thư giãn trước khi bị hụt hơi.
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ: Thông báo cho bác sĩ các vấn đề về hô hấp đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giúp giảm khó thở.