Tản mạn về chó và thịt chó
Con chó được chúng ta nuôi. Nó gắn bó với mình, đêm đêm nó thức để bảo vệ mình. Trời rét nó còn không được ngủ trong nhà mà phải nằm ở góc sân để canh nhà… Thế mà đùng một cái, mình dùng sợi dây thòng lọng chụp vào cổ nó, thít chặt, nhấc bổng nó lên, buộc chặt mõm nó lại, treo ngược đầu nó xuống.
Nó rất khó chịu nhưng nghĩ là ông chủ có kiểu đùa mới nên nó cố chịu để làm vui lòng ông chủ. Thế rồi nó bị nghẹt thở mà không kêu được, chi ư ử trong họng, toàn thân run bần bật, mắt trợn ngược. Thế rồi một lưới dao nhọn hoắt từ trong tay ông chủ đưa lên cổ nó…
Đến lúc này nó mới hiểu thì đã quá muộn. Thậm chí nó không còn kịp ân hận là mình đã quá tin vào ông chủ, đã trung thành bảo vệ ông chủ.
Con Bim của tôi
Hồi ở Tashkent (Uzbekistan) tôi có một con chó. Con chó này do một sinh viên khoa tiếng Ả rập tặng. Tiếng là tặng cho lịch sự, chứ tôi thừa biết là cô ấy không thể nào làm khác được. Sinh viên ở tập thể không được nuôi chó trong phòng.
Tôi cũng ở tập thể nhưng vì là nghiên cứu sinh nên được ở riêng một phòng, có thể nuôi giấu chó được. Con chó này là chó bình dân. Tên nó là Bim (lấy trong truyện “con Bim trắng tai đen”).
|
Ảnh: Daily Mail |
Thế là tôi gắn bó với con Bim cũng được hơn một năm. Thời kỳ đầu nó còn nhỏ nên dễ giấu. Sáng ra tôi đến trường thì Bim một mình chơi trong phòng, vỏn vẹn 16 m2. Thức ăn thì để sẵn trên bàn cho nó.
Hễ có ai gõ cửa là Bim lập tức chui vào gầm giường nằm im. Khi tôi về, nghe tiếng mở cửa thì Bim cũng làm vậy cho đến khi biết rõ là một mình tôi, nó mới từ dưới gầm giường chui ra. Nó chồm hai chân trước lên ngực tôi, lưỡi thì liếm khắp mặt tôi.
Mỗi khi tôi đưa Bim đi dạo thì bằng cách cho nó vào túi xách, ra công viên, thế là Bim vui chơi với đám bạn bè chó khoảng chừng một tiếng lại chia tay.
Một lần, tôi và Bim đi ra công viên, cũng bằng cách nói trên, nhưng giờ thì nó đã lớn, nặng nên tôi phải mang trên vai. Đang đi thì "lão" Sáp Cát (Uzbekistan), Trưởng ốp (tức người phụ trách tòa nhà) xuất hiện lù lù trước mặt tôi. Hắn cười, hỏi tôi:
- Mày đi đâu mà mang nặng thế?
Tôi bảo:
- Tao đi mua bia.
Hắn cười:
- Sao giờ mày mới đi mua mà túi đã nặng thế?
Tôi bảo:
- Tao mang chai ra để trả cho cửa hàng.
Hắn không hỏi gì nữa, nhưng lại vỗ vào vai tôi, mặt nghiêm lại, nói:
- Thất, tao rất tôn trọng mày. Nhưng có chuyện này tao cần phải nói với mày.
- Chuyện gì vậy? - Tôi hỏi nó.
- Tao nghe nói trong phòng mày có một con chó?
Anh ta nói cũng rất pháp lý đấy chứ. "Trong phòng mày có con chó thì cũng không hẳn là của mày, không phải mày mang nó về mà có thể từ đâu đó nó tự chui vào nhà mày, cũng như con chuột vậy thôi". Biết không thể chối được, tôi liền đặt túi xách, mở miệng túi ra, bào nó:
- Đấy! Nó đấy! - Hắn hỏi:
- Mày mang nó đi đâu?
- Tao mang ra công viên hỏi ai cần thì cho.
Sáp Cát nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi:
- Sao mày không nuôi nó?
Tôi nghĩ là thằng này "cài bẫy" mình nên trả lời lạnh tanh:
- Tao ở trong “Ốp” sao dám nuôi chó?
Nó cười:
- Thôi mày đừng giả vờ nữa. Tao biết là mày nuôi nó gần năm nay rồi.
Tôi đỏ mặt, hỏi:
- Sao mày biết?
Nó bảo:
- Không có chuyện gì ở trong cái “Ốp” này mà tao không biết, mày hiểu chưa? Tao là
Trưởng ốp mà !
Tôi cười ngượng, hỏi nó:
- Mày có thích nuôi chó không?
Hắn bảo:
- Thôi, mày cứ nuôi nó đi! Nhưng với điều kiện mày phải dạy cho nó cách đi vệ sinh, phải thường xuyên tắm rửa cho nó, dắt nó đi dạo công viên chứ không phải dạo trong túi này nhé. Mày phải làm Hộ chiếu cho nó để sau này nó còn được xuất cảnh về Việt nam chứ, hắn cười.
Tôi cám ơn thằng Sáp Cát vô cùng. Gần một năm sau, tôi về nước. Tôi đành phải gửi con Bim lại cho Sáp Cát nuôi vì tôi không thể đem nó về Việt Nam được. Sáp Cát hứa với tôi là sẽ chăm sóc Bim tử tế. Tôi tin vì nhà Sáp Cát rộng rãi. Quan trọng hơn là người Uzbekistan không ăn thịt chó.
Đám tang chó
Hồi còn học ở Nhật, con trai tôi có kết nghĩa anh em với một anh người Nhật, tên là Toru. Anh này trước đó có đi tình nguyện sang Việt Nam, làm ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nên nói tiếng việt còn chuẩn hơn nhiều người Việt.
Hai vợ chồng Toru không có con, đúng hơn là họ không thích sinh con. Họ nuôi hai con chó, một con gọi là Tô tô, nhiều tuổi hơn, một con gọi là Cô Lộ, ít tuổi hơn Tô Tô. Đã mấy lần Toru sang Việt Nam chơi với gia đình tôi nhưng lại chỉ đi một mình.
Tôi hỏi Toru: Sao không đưa vợ sang cùng cho vui?. Toru trả lời: Vì không gửi được ai chăm sóc cho Tô Tô và Cô Lộ nên cô ấy phải ở nhà.
Tôi tưởng Tô Tô và Cô Lộ là hai đứa trẻ con của vợ chồng Toru nên hỏi thêm: Các cháu lớn chưa? Thằng con tôi vội nói đỡ lời: Tô Tô và Cô Lộ là hai con chó bố ạ. Anh chị ấy quý hai con chó lắm. Toru thì mặt vẫn thản nhiên, thậm chí vui vì thấy tôi gọi Tô Tô và Cô Lộ là “các cháu”.
Để gỡ thế khó xử, tôi hỏi thêm: Thế ở Nhật không có khách sạn chó, bệnh viện chó à? Toru trả lời: Dạ có. Nhưng vì không đăng ký trước nên không có chỗ. Anh nói thêm: Đó cũng là vấn đề mà hiện nay nhiều người Nhật đang phàn nàn lắm.
Một lần, nhân nói chuyện về đất đai, nhà cửa, thằng con tôi nói với tôi: Bố ạ, anh chị Toru nói là sẽ phải bán cái biệt thự ở ngoại ô Tokyo để mua một căn hộ trong Thành phố. Tôi bảo: Người ta bán căn hộ để mua biệt thự chứ ai lại đi làm ngược lại thế?
Con tôi bảo: Anh chị ấy cũng rất tiếc nhưng vì bây giờ Tô Tô già yếu lắm rồi, nên phải chuyển sang ở căn hộ để nó đỡ phải leo lên xuống cầu thang vất vả. Tôi không tin là có chuyện đó. Nhưng sự thật là sau đó, vợ chồng Toru đã bán biệt thự và chuyển đến ở một căn hộ trong thành phố. Khoảng một năm sau đó, con tôi nhận được thư điện tử do Toru gửi.
Nội dung bức thư thế này: “Anh, chị rất buồn báo với hai em là Tô Tô đã mất rồi. Nó bị ung thư, điều trị hơn một năm nay nhưng phần vì nó đã già yếu, lại bị bệnh ung thư nên không cứu được. Hiện nay xác của Tô Tô đang để phòng lạnh. Khi nào hai em sang được để anh chị làm đám tang cho nó….”.
Hai hôm sau, con tôi vội bay sang Nhật để dự đám tang con chó Tô Tô. Khi về Việt Nam nó mang theo một bức ảnh con chó mà Toru chụp nó lúc còn sống. Con tôi bảo: Anh, chị nhờ về Việt Nam làm cho một tấm bia mộ bằng đá thật đẹp cho Tô Tô.