Mọc thành chùm giống như nho nhưng quả lại có màu đỏ mọng, đây là quả của cây cách thư - một loại cây rừng mọc phổ biến ở các vùng miền núi nước ta. Khi chín, quả sẽ chuyển sang màu nâu đỏ.
Giống như nhiều loại quả dại khác, đây là món ăn vặt yêu thích của nhiều trẻ em miền núi. Quả chỉ cần gọt vỏ là có thể ăn được. Tuy nhiên, hương vị của nó lại khác xa so với nhiều loại quả dại khác.
Thông thường, quả dại sẽ có vị ngọt hoặc chua, hoặc đan xen chua và ngọt. Riêng quả cách thư khi chín lại có vị ngọt đan xen một chút vị cay. Hương vị đặc biệt này nằm ở lớp vỏ, nếu bạn gọt vỏ không kỹ thì khi ăn sẽ thấy lẫn vị cay.
Quả cách thư có tên khoa học là Fissistigma oldhamii (Hemsl.) Merr. thuộc họ Annonaceae – Na, là một loại cây bụi sống lâu năm, phân bố chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Ở Trung Quốc, loại quả này được gọi là “hương đằng bào”, là một loại đặc sản hiếm có với giá bán đắt đỏ. Do cây mọc hoang, không có người trồng nên số lượng của chúng tại thị trường Trung Quốc vô cùng khan hiếm. Cuối năm ngoái, giá quả cách thư trên chợ mạng Trung Quốc lên đến 200 NDT/kg, tương đương hơn 650.000đ/kg.
Còn tại Việt Nam, cây cách thư chính là một trong những dược liệu Đông y giá trị. Cây mọc tự nhiên ở ven rừng, nơi sáng, phân bố tại nhiều tỉnh thành miền núi như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Gia Lai – Kon Tum.
Trong y học cổ truyền, rễ khô của loại cây này thường được sử dụng để giảm thiểu chứng phong thấp, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau. Phần lá và thân có thể trộn với mật côn trùng để điều trị viêm phụ khoa, hỗ trợ điều trị gãy xương, phù thũng. Toàn cây còn được dùng để chữa bệnh phong thấp, đau nhức xương, tê bì tay chân, di chứng bại liệt và co giật ở trẻ em. Tuy nhiên trên thị trường Việt, loại cây này vẫn rất hiếm thấy.
Ngoài ra ở Trung Quốc, cây cách thư cũng được ứng dụng rộng rãi trong y học cổ truyền nước này để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
(Theo baijiahao)