Mắc cùng lúc nhiều bệnh
Ông Bắc cho biết mình chăm chỉ hoạt động thể thao từ thời trẻ. Ông vốn là huấn luyện viên môn điền kinh của Sở TDTT Hải Phòng nên cũng có những kiến thức nhất định về thể thao. Giờ tuổi cao nên hoạt động thể thao của ông đã giảm đi nhiều, ông chỉ tập luyện phù hợp với sức khoẻ.
Nói về bệnh, ông Bắc chia sẻ: “Tôi bị phong tê thấp nên hay đau khớp, nhất là khớp ở bàn chân. Bệnh đau thần kinh tọa khiến tôi hay đau hông. Tôi lại có bệnh tăng huyết áp, từng mổ cắt 3/4 dạ dày, cắt đại tràng. Có lúc tôi bị choáng váng, nôn. Bệnh tật dễ làm người ta kiệt quệ. Bản thân tôi xác định phải cố gắng phấn đấu...”.
|
Ông Lâm Hoa Bắc đang chuẩn bị đi tập luyện thể thao. |
Thời điểm ông Bắc cho rằng mình bị kiệt quệ là “năm ngoái” khi cứ phải khám bệnh nọ lại ra bệnh kia, dùng thuốc chữa bệnh này lại ảnh hưởng đến bệnh khác. Ông bị đau đầu xương, đi khám, bác sĩ nói bị gút, bị khớp. Điều trị được 6 tháng, bác sĩ lại bảo: “Nguy hiểm quá, ông bị suy thận, đường huyết cao, có chiều hướng tiểu đường tuýp 2”. Ông cho biết mình đã nằm viện 3 lần, sử dụng thuốc Tây theo bác sĩ kê đơn. Trong quá trình điều trị thì rất tốt, nhưng cứ ra viện thì lại thấy đau, gân sưng rồi chuyển sang đau khớp. Đi khám lại lại được bảo đau dây thần kinh ngoại biên... Cảm thấy quá chán nản, nhưng qua nghiên cứu, ông đã rút ra được nhiều điều cho bản thân và áp dụng. Đó là ăn nhạt, tập luyện phù hợp với mình.
Đi xe đạp nhẹ nhàng giảm đau khớp
Trước đây, khi chưa bị đau khớp thì ông Bắc đi bộ mỗi ngày 10 - 20km là thường. Giờ sáng nào ông cũng đi xe đạp khoảng 45 phút đến 1 tiếng, với quãng đường khoảng 15 - 20km, hết đi ở sân vận động Mỹ Đình thì lại ra ngoại thành. Ông chọn đạp xe bởi nó nhẹ nhàng, không bị cơ thể dội xuống gây đau như đi bộ. Khi đi xe đạp, hoạt động cơ bắp cũng được nhiều. Quả nhiên, sau một thời gian, ông thấy triệu chứng đau khớp giảm hẳn.
Việc ăn uống cũng được ông điều chỉnh: Ăn điều hòa, uống nhiều nước, ăn nhạt, ăn nhiều rau và hoa quả, tránh ăn những thức ăn có đạm cao (ví dụ như thịt bò). Ông chỉ ăn thịt lợn, thịt gà, cá, dùng ít trứng, tôm, cua, hải sản. Gần đây, nước gạo rang được ông sử dụng uống hằng ngày và thấy tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra, trà tươi, nước vối cũng được ông sử dụng xen kẽ. Bia, rượu, thuốc lá ông hoàn toàn không sử dụng.
Dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng ông Bắc cũng phải thừa nhận: “Mỗi khi giở giời, chuyển mùa, tôi lại thấy đau cơ, đau ở hai cánh tay, chân đi khập khiễng khó chịu. Những lúc thấy khó chịu, tôi lại dừng tập 1 - 2 buổi, nghe ngóng cơ thể. Khi thấy dễ chịu hơn, tôi lại tập luyện vừa sức. Ngoài tập luyện phù hợp, việc nghỉ ngơi, cân bằng cơ thể cũng rất quan trọng.
Theo BS Bùi Hải Bình, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai: Thực ra, người bị gút nếu điều trị tốt, không bị đau thì tập môn thể thao gì cũng được. Còn với bệnh thần kinh tọa, nếu có thoát vị đĩa đệm thì bệnh nhân nên chú ý khi cúi, đè, nén sao cho đúng tư thế, thẳng lưng, không với. Đi xe đạp nhẹ nhàng là môn thể thao tốt cho đầu gối. Nhưng người có bệnh thần kinh tọa thì không nên tập cố vì sẽ gây sức ép lên cột sống. Nên đi xe đạp kiểu ngồi thẳng như xe mini sẽ tốt hơn là đi xe đạp kiểu phải cúi vòng (để giảm sức ép lên cột sống).