Nhiều bệnh lý dẫn tới ung thư thực quản
Ung thư thực quản (UTTQ) quản đứng thứ 9 trong các bệnh ung thư trên thế giới, đứng thứ 3 trong các ung thư đường tiêu hóa sau ung thư dạ dày, ung thư trực tràng. Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư thực quản ở nam là 8,7/100.000 dân. Bệnh đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư phổ biến. Khoảng 60% UTTQ xảy ra ở 1/3 giữa, 30% ở 1/3 dưới và 10% ở 1/3 trên.
Rượu và thuốc lá là hay yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với UTTQ biểu mô vẩy. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm bệnh nhân dùng cả rượu và thuốc lá thì nguy cơ mắc UTTQ biểu mô tế bào vẩy tăng gấp 25 - 100 lần. Ngoài UTTQ thì nhóm bệnh nhân này còn có nguy cơ mắc thêm ung thư thứ hai như ung thư vòm họng hay hạ họng thanh quản hoặc ung thư bàng quang.
Bệnh Berett thực quản, trào ngược dạ dày thực quản là những yếu tố liên quan chặt chẽ với UTTQ biểu mô tuyến với tỷ lệ cao gấp 30 - 125 lần. Những báo cáo chỉ ra rằng, nguy cơ mắc UTTQ tăng hằng năm ở nhóm bệnh nhân Barett thực quản là 0,2 - 2%.
Các bệnh lý khác của thực quản có liên quan với UTTQ gồm: Bệnh xơ cứng bì hệ thống có ảnh hưởng lớn nhất tới thực quản trong đường tiêu hóa, hậu quả là giảm trương lực cơ thắt tâm vị dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản và nguy cơ UTTQ xuất hiện. Bệnh rối loạn nhu động thực quản Achalasia đặc trưng là tăng trương lực cơ thắt tâm vị gây ứ đọng kéo dài, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vẩy thực quản.
Bệnh Tylosis cũng là một bệnh hiếm gặp xơ bì khu trú ở lòng bàn tay và chân có liên quan đến gene 17q25 gây UTTQ. Hội chứng Plummer – Vinson/Paterson – Kelly biểu hiện đặc trưng thiếu máu do thiếu sắt, viêm lưỡi, lách to, móng tay dễ gãy. 10% số bệnh nhân này có thể tiến triển thành UTTQ biểu mô vẩy.
Bỏng thực quản cũng là yếu tố thuận lợn tiến triển UTTQ, thời gian có thể là 40 – 50 năm sau giai đoạn bỏng. Một vài nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV có liên quan với UTTQ biểu mô vẩy ở nhóm bệnh nhân châu Á, Nam Phi, trong khi nhiễm Helicobacter Pylori tăng khả năng UTTQ biểu mô tuyến. UT đường hô hấp – tiêu hóa trên có nguy cơ phát triển một ung thư thứ hai với tỷ lệ là 20% mỗi năm. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây cho thấy, khoảng 10% số bệnh nhân ung thư đường hô hấp tiêu hóa trên sẽ mắc UTTQ và cũng khoảng 10% bệnh nhân UTTQ sẽ mắc thêm UT phổi thứ hai.
Đời sống xã hội thấp, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin, thức ăn chứa Nitrosamin làm tăng tỷ lệ UTTQ biểu mô vẩy, trong khi những người béo phì thì tỷ lệ UTTQ biểu mô tuyến lại tăng cao.
|
Nội soi dạ dày. |
Thách thức trong điều trị
Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của UTTQ chiếm 90% là nuốt nghẹn và sút cân. Nuốt nghẹn thường xuất hiện từ từ, tăng dần, lúc đầu là nghẹn thức ăn đặc sau nghẹn cả lỏng. 20% số bệnh nhân có biểu hiện đau khi nuốt hay đau xương ức. Dấu hiệu ho, nấc hay khàn tiếng là những biểu hiện tổn thương ung thư lan tới hạch khí quản, dây quặt ngược. Một số bệnh nhân có ho máu hay nôn máu khi u hoại tử gây rò thực quản – khí quản.
Hiện nay, mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị đa mô thức như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nhưng UTTQ vẫn là một trong những bệnh ung thư đặt ra nhiều thách thức với chúng ta bởi tỷ lệ sống sau 5 năm vẫn chỉ là 20 – 25%.