Thế nhưng, không ai có thể tưởng tượng, suốt 70 năm qua, bà vẫn luôn ở bên chia sẻ mọi ngọt ngào, vui buồn với người chồng đầu gối tay ấp với một triết lý đơn giản “làm người ta vui là mình vui”.
Sống cảnh không con nhưng chưa một lần to tiếng
Ở tuổi xế chiều, mái tóc đã bạc trắng, mắt mờ, chân chậm nhưng bà Phạm Thị Quảng (SN 1926), trú ở số 14 Đào Duy Từ, Hà Nội vẫn ngồi bán nước chè ngay trước cửa nhà. Bà bảo bán nước lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng có kẻ vào người ra cũng thấy đỡ buồn và vơi đi nỗi trống trải, nhớ tới ông ở nơi chín suối.
Được biết Bà Quảng và ông Nguyễn Ngọc Đinh (SN 1925, đã qua đời 3 năm nay) đều là người gốc Hà Nội, xưa kia ông ở phố Kim Mã, còn nhà bà sống tại Trần Nhật Duật. Do chị họ của ông lấy anh trai bà Quảng nên hai gia đình quen biết nhau. Bà Quảng ngày ấy tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng khá xinh xắn, tính cách dịu dàng, nói chuyện lại có duyên nên rất được lòng chị dâu.
|
Cụ bà trải lòng về cuộc hôn nhân 70 năm ngọt ngào dù có “người thứ ba” |
Bởi vậy, nhiều lần người chị dâu ngỏ ý muốn mai mối cô em chồng cho ông Đinh. Mẹ ông Đinh cũng vài lần sang đặt vấn đề nhưng mẹ bà Quảng nhẹ nhàng từ chối với lý do con gái mình hay ốm đau, sợ lấy chồng không được quan tâm chăm sóc thì khổ.
“Lúc ấy tôi mới 19 tuổi, ông Đinh 20 tuổi, đẹp trai và hiền lành lắm. Ông vẫn hay lui tới nhà tôi chơi bởi trong lòng cũng thầm có thầm có tình cảm. Thi thoảng ông ấy còn nịnh đầm, tặng tôi vài đôi giày cao gót. Năm 1946, kháng chiến chống Pháp diễn ra, chúng tôi đi sơ tán và bặt vô âm tín.
Năm 1947, chúng tôi gặp lại nhau ở Tuyên Quang, lúc bấy giờ ông làm trong ban tuyên truyền còn tôi công tác ở hội phụ nữ. Tình cảm bắt đầu nảy nở rồi chúng tôi quyết định gắn bó. Đám cưới trong chiến tranh diễn ra hết sức giản dị, không tổ chức ăn uống hay tiệc tùng gì. Ông tặng tôi bó hoa rừng và cùng nhau uống chén rượu, thế là nên duyên”, bà Quảng nhớ lại.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ chẳng có đêm tân hôn đúng nghĩa vì phải tạm xa nhau để ông lên đường làm nhiệm vụ. Họ hẹn ước kháng chiến thành công, hòa bình lập lại sẽ về chung một nhà.
Thời gian trôi qua, khi mọi thứ đã ổn thỏa, ông bà bắt đầu cùng nhau xây dựng tổ ấm. Vậy nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi mà ngày qua ngày, năm qua năm, hạt giống họ ra sức vun trồng mãi chẳng có dấu hiệu nảy nở. Bao nhiêu đêm bà Quảng nằm trằn trọc suy nghĩ, những giọt nước tủi thân cứ lăn dài trên gò má.
Biết số phận không cho vợ chồng mình hưởng lộc con cái, ông bà chấp nhận và cố gắng bù đắp tình cảm cho nhau. Trong một lần đi công tác, bà Quảng bị địch bắn vào chân, phải nằm viện nhiều tháng trời, ông Đinh luôn bên cạnh, ân cần chăm sóc vợ. Ông còn làm tặng vợ chiếc nạng gỗ rất đẹp. Bà luôn cất giữ và coi đó như một kỉ vật vô giá.
Tiếc thay, trong một lần chuyển nhà, chiếc nạng gỗ đã bị thất lạc. Ra viện, bà Quảng xin đi học dệt chiếu. Những đêm sáng trăng, bà ngồi dệt chiếu ở sân nhà, ông thì kề bên chuyện trò, đọc thơ…. Cứ thế, họ cùng nhau dệt nên một tình yêu thật đẹp.
Bà kể: “Từ ngày bị thương, mọi sinh hoạt của tôi trở nên rất khó khăn. Mỗi lần đi tắm, ông phải xách nước cho và cẩn thận chuẩn bị hai chiếc ghế, một cao một thấp cho vợ ngồi. Thỉnh thoảng tôi lại làm thơ trêu ông
“Chân em chẳng đẹp tý nào/ Dáng đi nghiêng ngả khi vào khi ra/ Anh yêu, anh nói thật thà/ Trông em điệu đà như thể diễn viên/ Nếu mà có nhạc nổi lên/ Đôi môi mấp máy diễn viên đúng rồi”. Tuy không có con nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn luôn thủy chung son sắt, gần như chẳng bao giờ cãi vã, lớn tiếng.
Tôi nói với ông: “Em xem rồi, tử vi nói vợ chồng mình sẽ có 4 đứa con nhưng chúng rất hư. Nếu đã như thế, chi bằng không có còn hơn”. Nhiều lần, tôi ngỏ ý xin con nuôi, hoặc cưới vợ khác cho chồng nhưng đều bị ông khước từ”.
Từng hai lần đi hỏi vợ cho chồng
Người ta vẫn thường nói, trong cuộc sống, mọi thứ đều có thể sẻ chia nhưng tình yêu thì không. Vậy nên để đi đến quyết định cưới vợ cho ông, bà Quảng cũng buồn phiền, đắn đo, suy nghĩ nhiều lắm.
Bản thân ông Đinh cũng rất đỗi bất ngờ trước đề nghị ấy nhưng giọt nước mắt của người vợ tào khang khiến ông không thể không nghe theo. Ban đầu, bà mai mối ông với người phụ nữ đã qua một chuyến đò và có cô con gái 3 tuổi.
Bà bảo: “Anh cứ tìm hiểu, qua lại. Nếu nên duyên, em sẽ đón con bé về nuôi để hai người sống với nhau. Nhưng chúng ta vẫn sẽ gắn kết thành đại gia đình”. Ít lâu sau, mối quan hệ không thành, người phụ nữ ấy “già nhân ngãi, non vợ chồng” với người đàn ông khác, bà Quảng lại một lần nữa cất công đi tìm vợ cho chồng mình.
Vợ hai của ông Đinh tên là Phương. Khi ấy bà Phương cũng ngoài 40 tuổi, quê gốc ở Ninh Bình và đang công tác trong ngành xây dựng. Buổi gặp gỡ đầu tiên, ba người nói chuyện rất thoải mái, họ còn rủ nhau đi chơi vườn hoa.
Bà Quảng cười: “Đám cưới diễn ra khá tươm tất, cũng có trầu cau, đón dâu tử tế. Nhưng hôm ấy tôi vắng mặt vì sợ em Phương không thoải mái. Họ hàng sợ tôi không đi đón dâu sẽ ở nhà phá đám. Ai lại làm trò trẻ con đó bởi chính tôi là người đi hỏi vợ và sắm trầu cau cho ông ấy cơ mà”.
Ai cũng nghĩ kiếp chồng chung sẽ khiến hai người phụ nữ trở nên ghen tuông, ích kỉ. Nhưng điều đó không hề xảy ra giữa bà Quảng và bà Phương. 23 năm sống bên nhau, họ chưa một lần họ xích mích, lời ra tiếng vào. Biết bà Quảng thích nước hoa, lần nào đi chơi xa hay công tác về, bà Phương đều có quà tặng chị cả.
Hàng ngày, họ vẫn ăn cơm chung với nhau, tối đến cùng xem ti vi, chuyện trò rôm rả. Chỉ khi đi ngủ ai nấy mới về phòng riêng. Sinh hoạt vợ chồng cũng đơn giản, tuần này ông ngủ với bà cả, tuần sau sang ngủ với bà hai. Cảnh tượng này có lẽ nực cười, nhưng chẳng đáng bận lòng vì hai bà đều dành trọn tình cảm cho người đàn ông mà mình hết mực yêu thương.
Tưởng rằng, sự xuất hiện của bà Phương sẽ khiến cho ngôi nhà rộn rã tiếng trẻ. Nhưng rồi bà hai cũng chẳng thể mang thai, có lẽ nguyên nhân xuất phát từ phía ông Đinh. Khi biết rõ ngọn ngành, họ vẫn không rời bỏ nhau.
Bà Quảng nhớ lại: “Em Phương yêu thương chồng lắm, chăm sóc ông rất chu đáo. Sau này, em ấy bị bệnh máu trắng, nằm viện suốt 5 tháng trời, tôi và ông quan tâm, chăm bẵm đến nơi đến chốn. Tôi còn thuê một người giúp việc để cận kề, phục vụ riêng cho em Phương.
Bệnh nan y khiến em không qua khỏi và qua đời ở tuổi ngoài 60. Thương em Phương, tôi làm mấy câu thơ “Em là tay trái của anh/ Chị là tay phải, chúng mình thương nhau/ Sống chung chưa được bao lâu/ Mà nãy lại nỡ xa nhau mất rồi…”
Bà Phương qua đời, bà Quảng và ông Đinh tiếp tục cuộc sống không con cái. Hàng ngày, để cuộc sống thêm thú vị, bà Quảng làm những bài thơ ngắn để người chồng già thưởng thức và cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ tay. Giọng ngâm thơ lúc trầm lúc bổng vang vọng khắp căn nhà…
Năm 2014, ông Đinh bỗng nhiên thấy người mệt mỏi, bỏ cơm nhiều ngày. Bệnh tim mạch khiến ông phải nhập viện nhưng vẫn không quên lo lắng cho vợ, lại còn căn dặn: “Em vào thăm anh, phải đi taxi, không được đi xe máy kẻo người ta va quệt vào thì khổ”.
Mười ngày sau, ông Đinh qua đời, bà Quảng khóc cạn cả nước mắt. Bà lại đọc thơ “Anh hẹn em rằng tuổi chín mươi/ Năm nay ăn Tết thật là vui/ Mà sao anh cứ nằm trong viện/ Lỡ hẹn em rồi, anh yêu ơi!”.
Ông Đinh đi xa, bà Quảng vò võ một mình. Hàng ngày có chuyện vui buồn, bà đều cầm di ảnh và kể chuyện cho ông nghe. Bà ăn gì cũng mời ông, đến mức nhiều người trách bà làm thế sẽ khiến linh hồn ông quấn quít mà chẳng thể siêu thoát.
“Bao nhiêu năm gắn bó bên ông, tình nghĩa vợ chồng sắt son, bền chặt, dù chỉ là kỉ niệm nhỏ nhất, tôi cũng chẳng thể quên. Ở tuổi xế chiều, không có con, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được mọi người yêu thương. Đặc biệt, tôi không hề cô đơn bởi hình ảnh của ông luôn hiện hữu trong trái tim…”, bà Quảng chia sẻ.