Cứ 1.000 người ở độ tuổi 15-24, có 18 người đã từng phá thai

Google News

Ở Việt Nam, cứ 1.000 người ở tuổi vị thành niên/thanh niên nữ độ tuổi 15-24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ suất sinh con trước tuổi thành niên (10-17 tuổi) là 3,3 phần nghìn. Tỉ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.

Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo trực tuyến lan tỏa thông điệp: “Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai!”.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về những hệ lụy của việc mang thai ngoài ý muốn, việc phá thai không an toàn, cũng như những lợi ích của việc chủ động tránh thai… qua đó kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực từ các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Cu 1.000 nguoi o do tuoi 15-24, co 18 nguoi da tung pha thai
 Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo trực tuyến lan tỏa thông điệp: “Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai!”.
Nhấn mạnh về những lợi ích của phòng tránh thai mang lại, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, lợi ích đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. Đó là làm cha mẹ có trách nhiệm. Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ cả nam lẫn nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm. Ngành Dân số và các ngành liên quan cần truyền thông để nâng cao ý thức làm cha mẹ có trách nhiệm cho mỗi người dân.
Lợi ích thứ hai là tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi.
Lợi ích thứ ba là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Theo kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung… thậm chí đe dọa tính mạng. Cứ 1.000 người ở tuổi vị thành niên/thanh niên nữ độ tuổi 15-24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ suất sinh con trước tuổi thành niên (10-17 tuổi) là 3,3 phần nghìn. Tỉ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.
Xuất phát từ thực tế trên, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của người dân đang bị gián đoạn nghiêm trọng,… Ngay lập tức, ngành y tế, dân số đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp góp phần khắc phục các khó khăn nảy sinh như huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai… Chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số… để đảm bảo đưa công tác chăm sóc KHHGĐ đến với người dân một cách liền mạch và hiệu quả.
Còn Thạc Sĩ, Bác sĩ Trần Thị Lan Hương - Giám Đốc Y Khoa, đại diện Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc nâng cao nhận thức và kiến thức về KHHGĐ lại càng đặc biệt quan trọng. Vì khi hiểu rõ các biện pháp tránh thai, chị em phụ nữ sẽ luôn chủ động được việc mang thai và sinh con theo kế hoạch để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, chúng tôi đã và sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng các hoạt động về KHHGĐ để đảm bảo không một phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Theo Thanh Bình/Kinh tế và đô thị

>> xem thêm

Bình luận(0)