Covid-19 ở Việt Nam sáng 22/8: Bình Dương 'khóa chặt' 11 phường

Google News

Dịch Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, Bình Dương tiếp tục dẫn đầu, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lấy dấu mốc là ngày 6/9...

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm).

Tính từ đợt dịch thứ 4 (ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Riêng trong ngày 21/8, cả nước ghi nhận 11.321 ca mắc mới.

7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng và Yên Bái.

3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839) và Tiền Giang (6.575).

Riêng trong ngày 21/8 có 7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tính đến nay là 140.087 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 21/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 212.537 xét nghiệm cho 905.353 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 9.268.865 mẫu cho 27.043.618 lượt người.

Trong ngày 20/8 có 190.681 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.787.599 liều, tiêm mũi 2 là 1.707.066 liều.

Covid-19 o Viet Nam sang 22/8: Binh Duong 'khoa chat' 11 phuong
Kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông tại chốt kiểm soát trên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. (Nguồn TTXVN)

Hà Nội siết chặt quản lý phòng, chống dịch

Chiều 21/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo Công điện, toàn thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 để phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

Xác định đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp … là một pháo đài chống dịch.

Do đó, chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.

Thành phố đề nghị mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của thành phố.

Liên quan đến ngày khai giảng năm học mới, UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tạo không khí phấn khởi cho giáo viên, học sinh.

Covid-19 o Viet Nam sang 22/8: Binh Duong 'khoa chat' 11 phuong-Hinh-2
Một trường hợp F0 trong cộng đồng được xe y tế đưa đi cách ly trong ngày 21/8 tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Đà Nẵng kéo dài thêm 3 ngày "ai ở đâu ở yên đó"

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng chiều 21/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, từ kết quả 5 ngày thực hiện Quyết định 2788/QĐ-UBND với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", thành phố cân nhắc và quyết định kéo dài thêm 3 ngày.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: “Lý do chính đưa ra quyết định này là dựa trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ từng khu vực, phát hiện triệt để hơn nữa các ca F0 trong cộng đồng và cần phải đặt ra yêu cầu xét nghiệm đại diện hộ gia đình trên toàn thành phố lần thứ 3".

Đây là việc mà "lãnh đạo thành phố không mong muốn. Tuy nhiên xuất phát từ yêu cầu phòng, chống dịch cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vì vậy thành phố đã đưa ra quyết định này”.

Theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong hôm nay (22/8), Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cần có kết quả xét nghiệm lần 2 gửi về địa phương, để các địa phương đánh giá mức độ nguy cơ.

Ngày 22/8, Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Các đơn vị, địa phương cần rút kinh nghiệm 2 lần trước, thực hiện kỹ lưỡng, đặt biệt không để sót, khắc phục hạn chế trong quá trình lấy mẫu. Trong đó, rà soát lấy mẫu đúng đối tượng như người thuê trọ, lao động tự do.

Ngoài ra, các địa phương cần làm quyết liệt trong việc giám sát người dân ở nơi cư trú; phục vụ đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân. Lãnh đạo thành phố thông qua gói hỗ trợ cho khoảng 150.000 hộ dân, trị giá gần 100 tỷ đồng, nhằm đảm bảo đời sống người dân trong giai đoạn tiếp theo.

Tính ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.661 trường hợp mắc Covid-19. Riêng từ ngày 16/8 đến nay, thành phố ghi nhận 882 ca mắc (tăng 386 ca so với tuần trước). Hiện nay trên 55/56 phường, xã trên địa bàn thành phố đều có mắc Covid-19 (trừ xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Trong ngày 21/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 118.848 lượt người; phát hiện, cách ly 303 F1, 298 F2; đang điều trị 1542 bệnh nhân, cho xuất viện 85 bệnh nhân; các quận huyện đã xử phạt 16 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 144 triệu đồng.

Covid-19 o Viet Nam sang 22/8: Binh Duong 'khoa chat' 11 phuong-Hinh-3
Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tại lễ xuất quân hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 tối ngày 21/8. (Nguồn: TTXVN)

TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát đối tượng được phép lưu thông

Tại buổi họp báo chiều 21/8, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, Thành phố sẽ tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9 tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0h ngày 23/8.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8 của UBND thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Riêng lực lượng shipper tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và các quận huyện gồm: Quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn.

Nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn trước ngày 15/9, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể: thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly khu khố - ấp, phường – xã – thị trấn cách ly phường -xã – thị trấn”.

Trong đó, Thành phố sẽ thành lập Tổ Công tác đặc biệt tại các phường - xã - thị trấn, tập trung tại những vùng có nguy cơ cao, rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”) gồm Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, công an, quân đội, công chức, viên chức thành phố quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Nhiệm vụ của Tổ Công tác đặc biệt là kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì các tổ tự quản bảo vệ "vùng xanh", đi chợ thay cho người dân, thực hiện anh sinh xã hội.

Về nhóm giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong, Thành phố sẽ xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp; đẩy nhanh tiêm vaccine, hướng đến mục tiêu đạt 70% dân số trước 15/9; thành lập 400 trạm y tế lưu động tại các khu vực có nhiều F0 và chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.

Trong khi đó, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, tối 21/8, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức lễ xuất quân 1500 sinh viên, giảng viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tình nguyện tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.

Covid-19 o Viet Nam sang 22/8: Binh Duong 'khoa chat' 11 phuong-Hinh-4
Lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tìm F0 trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)

Bình Dương tích cực "quét" F0

Tối 21/8, Bình Dương ghi nhận 4.505 ca mắc Covid-19 (cao nhất nước), với tổng số trên 66.000 ca từ đợt dịch thứ 4.

Đáng quan ngại, số ca mắc trong ngày tập trung nhiều nhất khi sàng lọc cộng đồng với 3.083 ca (chiếm 68,4%), khu phong tỏa 921 ca (chiếm 20,4%). Có 333 ca là kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 7,4%) và 168 ca tại cơ sở y tế (chiếm 3,7%).

Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 66.447 ca mắc Covid19; 550 bệnh nhân tử vong.

Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, số ca F0 những ngày qua tăng cao là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng.

Điều đó chứng tỏ tỉnh đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót, lọt F0 trong cộng đồng. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không phát hiện được ca bệnh thì coi như các biện pháp chống dịch của tỉnh không hiệu quả.

Trước tình hình trên, Bình Dương bắt đầu áp dụng việc "khóa chặt" 11 phường trên địa bàn tỉnh kể từ hôm nay (22/8).

Theo đó, 11 phường có số ca F0 dày đặc phải siết chặt 24/24 giờ trong vòng 15 ngày, gồm 7 phường của thị xã Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) và 4 phường của thành phố Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa). Người dân không được ra khỏi nhà, không được đi chợ, lực lượng quân đội sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nơi cho người dân.

Từ ngày 20-22/8, Bình Dương triển khai tiêm vaccine đợt 21 và 22 gồm 265.210 liều cho các đối tượng. Với phương pháp vừa tiếp tục chiến dịch xét nghiệm diện rộng đợt 2 và tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 21, 22 với 250.000 liều.

Theo Chu Văn/Báo Thế giới & Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)