Cháu tôi đã xuýt xoa: "Sắp được nhận lì xì rồi. Tết tới nhà cậu mợ, không ngoài mục đích được nhận lì xì!". Câu nói thật lòng của cháu cũng dễ hiểu, dù sao cháu cũng còn là trẻ con, mua sắm, điệu đà, là nhu cầu con gái.
Cháu thích ăn vặt, thích làm đẹp. Đi học, thấy bạn có kẹp tóc ưa thích, cháu thậm chí nhịn ăn sáng để mua cho bằng được. Cháu không thích mặc đồng phục, mà thích về nhà mặc những bộ quần áo được mẹ cho phép lựa chọn.
|
Có trẻ nào không vui khi nhận lì xì ngày tết. Ảnh minh họa |
Tết năm ngoái, khi đại gia đình tập trung vui tết, tôi đã hỏi cháu: cháu có còn muốn nhận tiền lì xì nữa không? Cháu gật đầu không ngại ngần. Tôi hỏi thêm: "Ngoài chuyện lì xì, thì tết có ý nghĩa gì nữa?". Cháu đã trả lời: "Tết là dịp họp mặt gia đình, đi thăm thầy cô, bạn bè, và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới".
Một đứa trẻ 14 tuổi trả lời thế là tốt rồi. Tôi nghĩ, nhu cầu lì xì của trẻ con là có thật, nhất là những đứa trẻ con nhà không mấy dư dả. Vấn đề là người lớn lì xì cho trẻ thế nào cho hợp lý. Riêng cháu, tôi lì xì hai trăm ngàn đồng, số tiền không nhiều cũng không ít, cháu nhận lì xì từ mười “mối”, tính ra cũng hai triệu đồng.
Tôi được biết số tiền ấy cháu để dành chi tiêu trong nhiều tháng sau tết, bao gồm cả việc mua cây bút cháu thích, hay mua cái áo đẹp. Cháu luôn ý thức ba mẹ khó khăn, nên chi tiêu chừng mực, vậy nên khi lì xì cho cháu, chị hai tôi (vốn khấm khá), đã lì xì mạnh tay, kiểu: các cháu cần được giúp đỡ, và xứng đáng nhận sự giúp đỡ, vì các cháu rất ngoan.
Thương nhất là chuyện cháu chỉ mạnh dạn nhận tiền lì xì của người thân trong nhà, chứ với bạn bè của ba mẹ, người ngoài gia đình, cháu chỉ nhận khi ba mẹ cho phép.
Tôi lại hỏi cháu: "Tới khi nào cháu sẽ hết được nhận lì xì?". Cháu trả lời tới khi cháu làm ra tiền. Cũng đúng vậy. Như các anh chị họ của cháu, cũng luôn hiện diện trong ngày họp mặt đầu năm mới của đại gia đình chúng tôi, cái tết đầu tiên các cháu từ chối là vì năm đó các cháu đã tự kiếm ra tiền. Các cháu đã biết mừng tuổi cho ông bà, lì xì cho các bé, dù chỉ là số tiền tượng trưng.
Tôi nghĩ, đối với cháu gái 14 tuổi của tôi, ba mẹ cháu không cần thiết phải quản lý tiền lì xì của cháu, vì cháu đã lớn, lại biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích, chỉ cần nhắc nhở là đủ.
|
Nếu bé ngoan, tôi nghĩ bé không tiêu tiền vô bổ. Ảnh minh hoạ |
Một số bé khác nhận khoản lì xì không nhỏ, nhưng tết chưa hết “mùng”, đã tiêu sạch trơn, thật là phung phí. Các cháu còn nhỏ, chưa làm ra tiền, chưa ý thức việc kiếm tiền vất vả thế nào, việc ba mẹ quản lý tiền lì xì của các con là cần thiết.
Trẻ con vốn rất thật thà, nhưng đừng để trẻ con nghĩ rằng, người lớn lì xì cho trẻ, thì tiền đã thuộc về trẻ, trẻ có quyền tiêu pha tùy thích. Nói thật, lì xì cho cháu gái 14 của tôi, tôi cảm thấy rất an tâm và hào hứng.