Ngày nghe tin con trai đòi lấy gái thành phố, bà Chung bực mình lắm. Xung quanh đây cũng đầy nhà có con dâu thành phố, mà bà chẳng thấy ai ra sao. Cứ được dăm năm là lại đường ai người nấy đi, không vì vợ bồ bịch thì cũng chơi bời không quan tâm chồng con.
Khu xóm của bà có 3 cậu cưới vợ thành phố, giờ có 2 người "gà trống nuôi con", 1 người bỏ đi biệt xứ vì vợ cấu kết với bồ giành mất con, còn gán thêm cho khoản nợ khó có ngày trả hết.
Thực ra Trang cũng không thuộc tuýp người nữ công gia chánh. Nhưng cô không hẳn người vô tích sự, sống không biết trước sau. Trang làm đến chức Trưởng phòng, lương tháng hơn 30 triệu, tính ra mình cô “cân” cả nhà, vì anh chồng cũng chỉ là giáo viên, ăn lương nhà nước ba cọc ba đồng.
Kiếm được tiền nên Trang cũng chẳng để ai phải thua thiệt. Hai bên nội ngoại cô lo lắng đầy đủ. Chỉ cần ai đó báo ốm đau, Trang bất chấp bận bịu, vẫn tự mình lái xe về đưa đi khám, lo lắng thuốc thang từng người đầy đủ. Bố mẹ bên chồng không gần gũi sát sao được, cô cũng gửi tiền về đều cho ông bà tiêu pha.
Trang kể: “Làm dâu phải biết lo lắng đối nội đối ngoại. Không phải chỉ để chồng mừng, chồng nể mà nói thẳng ra là không có ông bà thì không có chồng và các con mình hiện tại”.
Bà Chung không hẳn không hiểu ý con dâu nhưng lại phải cái tính sĩ diện với xóm giềng. Thấy bên hàng xóm có cô dâu mới đảm đang, tháo vát, cứ xong việc ở Ủy ban lại vác cuốc ra đồng làm quanh năm, cơm nước bưng rót hầu hạ bố mẹ tối ngày,… bà cũng thèm.
Lắm khi bà còn tặc lưỡi nói với ông: “Nhiều tiền rồi cũng có mang đi được đâu. Cứ dúi cho đống tiền chắc gì đã hay”.
Năm nay có bà cô trong Sài Gòn sau nhiều năm mới về Bắc ăn Tết, lại ở ngay nhà mình nên bà Chung tỏ ra sốt ruột. Bà nghĩ đây là cơ hội ngàn năm có một để tỏ rõ cho người nhà thấy bà xuất thân nông thôn nhưng con cái ai cũng khôn ngoan, hiểu biết, chăm chỉ, đảm đang.
25 Tết bà đã điện thoại ra giục 2 vợ chồng con trai về. Nghe con thông báo 28 mới về được, bà đã tỏ ý không hài lòng.
Trang vừa về tới hôm nay, hôm sau mẹ chồng đã bắt dậy sớm đi chợ mua sắm các thứ với mình. Trang chẳng biết sao cũng cố nghe, cô nghĩ Tết nhất sắm sửa chẳng thể tránh được nên cũng không lăn tăn.
Tận lúc mẹ chồng dắt tay vào hàng gà, nói: “Giờ mua 3 con gà sống về hôm sau cúng cỗ, lát qua hàng thịt mua cái tai thủ về nấu thịt đông, mua xương về hầm, à, tí thịt về băm mà làm chả nem. Đúng rồi mua 2 quả gấc mà đồ xôi cúng cho đẹp. 3 ngày Tết ở đây không có chợ, lo dần đi kẻo muộn”.
Trang ngớ người. Cô nghĩ Tết về quê được vài ngày để nghỉ ngơi chứ không phải để lao đầu vào bếp núc nên từ chối thẳng: “Mẹ à, sao phải cách rách thế làm gì. Làm cả năm rồi có mấy ngày Tết tranh thủ mà nghỉ”.
Bà quát: “Tục ở đây vậy, nghỉ lúc khác”, rồi cứ 1 mình 1 phách đi mua đúng bằng bấy nhiêu thứ đồ đã định.
Tối ăn cơm nghe mẹ chồng bàn bạc giờ giấc ngủ dậy để chuẩn bị cỗ bàn, Trang ngao ngán. Lúc đi ngủ cô nói thẳng với chồng. Ban đầu anh cũng ủng hộ mẹ. Nhưng sau khi nghe vợ nói: “Anh tính để mẹ mãi sống như này à? Già rồi mỗi năm Tết đến lại cỗ cỗ bàn bàn, mà giờ mấy ai ăn kiểu ấy nữa đâu, vừa phiền vừa lãng phí”, anh cũng thấy xuôi xuôi.
Thế nên sau khi vợ nhờ tìm người chuyên nấu cỗ, bán cỗ ở quê, anh nhận luôn. Mẹ chồng hẹn 5h sáng dậy nấu cỗ, Trang mặc kệ vì yên tâm đã đặt xong đủ thứ cỗ mà bà cần rồi.
Sáng đợi mãi không thấy con dâu dậy, bà Chung bực mình. Mà vào phòng con gọi thì ngại nên bà cứ đi ra đi vào đá thúng đụng nia, lôi cả ông dậy cắt tiết gà cho mình. Ông mất ngủ nên quát um lên, lúc này Trang mới ra ngoài. Cô thủng thẳng: “Con nói mẹ rồi, cứ yên tâm mà ngủ đi”, rồi rút điện thoại gọi người đến giờ mang cỗ đến.
Mẹ chồng thừa biết nhưng bực tức mặc kệ, cứ tự mình nấu nướng hì hụi trong bếp. Lát sau người ta mang cỗ đến, Trang thong thả sắp mâm bát cúng bái. Bà cô thấy vậy liền khen cô thông minh, khôn khéo.
Trang bảo: “Tết là để nghỉ ngơi, giờ ăn uống chẳng hết mấy mà dịch vụ nào cũng tiện, bố mẹ cần cứ bảo để con lo, đừng tự mình làm tội mình thêm nữa”.
Nghe con dâu nói phải, bố chồng liền quát: “Thôi thôi bà bỏ đấy khỏi làm, lo đi lên hương cho cả nhà còn ăn sáng. Chờ bà làm xong ngần đó cỗ bàn khéo trưa mất”.
Bà Chung không biết nói sao cũng bỏ đó đứng lên. Trang nhanh ý giục chồng xuống bếp làm tiếp việc cùng mình trong lúc chờ hương tàn. Cô không khéo nhưng mấy việc rán chả nem cũng làm thành thạo. Cô muốn để mẹ chồng và bà cô trông thấy để không ai hiểu nhầm mình là kẻ lười biếng, không biết làm gì.
Sau lần đó mẹ chồng tuyệt nhiên không có ý gây khó dễ cho con dâu nữa. Vì bà thấy cô cũng chẳng sai sót, sơ suất gì mà bắt bẻ.