Thương tâm sự, từ khi cô bước chân về làm dâu đã bị mẹ chồng để ý, soi mói. Tính bà vốn khó, với ai bà cũng như vậy chứ không phải riêng Thương. Cũng may là vợ chồng cô có thu nhập tốt, được ông bà ngoại cho thêm nên chỉ sau 4 tháng cô đã mua được nhà ra ở riêng.
Biết tính mẹ chồng không thích ồn ào lại hay kiêng khem kĩ nên từ khi sinh con, Thương rất hạn chế việc nhờ bà chăm sóc cháu. Cô kể, lúc cô sinh đã mẹ tròn con vuông mà đến tận ngày thứ 2 mẹ chồng mới vào viện thăm cháu. Đến nơi, bà không hỏi han gì nhiều mà chỉ than: "Sao biết chọn ngày đẻ thế hả con, gái mùng 1, trai mười rằm, thế này thì phải biết đây".
Câu nói của bà khiến Thương chạnh lòng, cô chỉ biết cười trừ cho qua chuyện.
|
Ảnh minh họa.
|
Hết 6 tháng thai sản Thương phải đi làm lại, việc khiến cô đau đầu là không có người trông con. Chồng Thương gợi ý: "Hay là nhờ bà ngoại qua đi em, chứ mẹ anh đang mải mê kiếm tiền thế, chắc gì bà đã trông cho em đi làm".
Thương bảo, hoàn cảnh nhà cô chồng cũng biết rõ, bố cô bị đột quỵ nằm một chỗ, chị dâu cô cũng mới sinh được hơn tháng nay. Một mình mẹ cô phải vắt chân lên cổ cũng chưa phục vụ hết, làm sao bà có thể bỏ việc nhà qua đây chăm cháu ngoại được. Thế mà chồng còn đưa ra ý tưởng đó khiến cô bực mình hỏi lại: "Tại sao anh không nghĩ đến việc thuyết phục mẹ trông cháu đỡ em mấy tháng đầu, 1 tuổi em cho con đi học thì bà lại về bán hàng".
Bàn bạc mãi cuối cùng vợ chồng Thương chở nhau về định nói khéo để mẹ chồng đồng ý giúp trông con. Không ngờ bà không để con dâu trình bày hết đã xua tay chối luôn: "Con nghỉ mà trông thằng bé, nó còi cọc như thế, mẹ chăm con vẫn là tốt nhất, tiền bạc kiếm cả đời".
Không còn cách nào khác, Thương phải xin nghỉ việc không lương ở nhà trông con. Nhưng công ty không thể tạo điều kiện cho cô nghỉ mấy tháng liền nên cô đành viết đơn xin nghỉ hẳn ở nhà. Thương tâm sự, đó là khoảng thời gian "khủng hoảng" với cô, khó khăn chồng chất khó khăn. Ở nhà ăn bám chồng, con thì quấy khóc, ốm đau liên miên. Đến khi thằng bé được 14 tháng cô quyết định cho đi gửi trẻ và bắt đầu công cuộc vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi.
Cuối cùng cô cũng xin được vào phòng marketing của một siêu thị điện máy. Cuộc sống của Thương như được hồi sinh từ đó, cô tự nghĩ "phụ nữ muốn hạnh phúc thì điều đầu tiên cần ghi nhớ là phải độc lập về kinh tế, phải kiếm ra tiền thì mới được tôn trọng".
Đến nay con trai Thương được 4 tuổi, nhiều lần mẹ chồng giục sinh thêm cháu nhưng nghĩ đến cảnh con ốm đau không có ai đơ đần mà cô hốt quá.
Thương kể, năm nay nghỉ Tết xong thì dịch Covid-19 ập đến nên con trai cô phải nghỉ học ở nhà tránh dịch. Vợ chồng cô nháo nhào vì không có người trông con, chồng Thương rào trước: "Em làm sao thì làm, chứ anh là không nghỉ được đâu đấy, công ty bao việc, toàn việc quan trọng".
Thương bức xúc đáp lại: "Chỉ mình anh có công việc chắc, em cũng không muốn bị cho nghỉ việc phải vác hồ sơ đi khắp nơi ở tầm tuổi này nữa đâu. Nước cùng thì cho thằng bé về bà nội".
Cuối cùng, tính đi tính lại, Thương quyết định: "Những gì có thể giải quyết được bằng tiền thì không nên nhờ ai hết". Cô quyết định gửi bà hàng xóm cạnh nhà, mỗi ngày 200 nghìn tiền công.
1 tuần trôi qua, bỗng dưng mẹ chồng gọi điện hỏi thăm tình hình, bà còn cứ tưởng Thương vẫn nghỉ ở nhà chăm con, cô cũng chẳng ngần ngại mà kể là nhờ bà hàng xóm rồi. Đột nhiên bà mắng con dâu té tát, trách sao không nói với mẹ.
Sáng thứ 2, mẹ chồng qua nhà Thương từ sớm. Lúc cô chuẩn bị đi làm bỗng bà bảo: "Mẹ cu hư thế nhỉ, chẳng nói gì với bà cả, bà mà không hỏi thì định thuê người đến bao giờ. Làm sao người ta chăm cháu tao cẩn thận được".
À thì ra là mẹ chồng Thương quan niệm: Con cái đẻ ra phải có trách nhiệm, không được ỷ lại vào bà. Mà có lúc nào cần bà giúp thì phải mở lời, nhờ vả hẳn hoi. Khổ thế đấy, mẹ chồng Thương không xấu đâu nhưng bà khái tính, lại có chút gia trưởng nên thôi, cứ khéo léo 1 chút chẳng mất gì.