Quá trình xăm mình được thực hiện nhờ vào một loại “súng xăm”, đưa kim xăm đâm qua lớp biểu bì sâu xuống tận lớp hạ bì - nơi các sợi collagen, dây thần kinh, các tuyến mạch máu tập trung. Đây cũng chính là lớp da rất ít khi bị cơ thể đào thải.
Kim xăm hình sẽ tạo các lỗ khoan với tốc độ lên đến 3000 lần/phút và mực xăm cũng được lấp đầy các lỗ khoan. Quá trình kim đâm vào da đã vô tình tạo thành những vết thương và tất nhiên cơ thể sẽ có những phản ứng nhất định.
Lúc này, hệ miễn dịch sẽ mặc định rằng cơ thể đang bị tấn công, và rồi bạch cầu sẽ di chuyển đến đây để sát trùng và chữa lành da. Tế bào bạch cầu khi gặp những gì được xem là kẻ thù sẽ ngay lập tức tấn công, cắn xé, nuốt trọn đối phương, bất kể đó là thứ gì.
Đồng thời, một số tế bào khác cũng bắt đầu hút lấy mực xăm. Mực xăm sẽ ở lại vĩnh viễn tại hạ bì còn màu mực nổi lên trên da mà không xóa bỏ được. Tuy nhiên, cơ thể vẫn tìm cách tống khứ “kẻ xâm nhập” này cho nên những hình xăm sẽ mờ dần theo năm tháng.
Trong một vài ngày đầu mới xăm, toàn bộ khu vực xăm sẽ bị đau và sưng, thậm chí bạn có thể hơi sốt. Nhưng sau đó vết sưng sẽ lành dần và đến tuần thứ 2 thì hình xăm sẽ hoàn toàn thích nghi với cơ thể.
Để xóa hình xăm, mọi người thường dùng laser. Năng lượng từ laser đóng vai trò như một chiếc búa tạ khổng lồ. Nó đốt nóng mực trong da, phá vỡ các giọt mực thành những mảnh nhỏ hơn, giúp các tế bào bạch cầu mang chúng đi dễ dàng hơn.
Bạn có thể phải trải qua tới hơn 10 lượt điều trị laser mới loại bỏ được hoàn toàn một hình xăm. Đây là lí do tại sao bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định để lại một hình xăm trên cơ thể.