Mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao với hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên đang hít bóng cười, nhiều bạn trẻ cũng đang xem trò này như một thú giải trí. Thực tế, đã có nhiều trường hợp phải trả giá bằng tính mạng vì trò giải trí này, cũng có rất nhiều bạn trẻ biết rõ tác hại của trò hít bóng cười này nhưng vẫn "bất chấp" chơi thỏa mãn thú vui bản thân.
|
Hình ảnh Kỳ Duyên chơi bóng cười cùng bạn trai rò rỉ trên mạng xã hội. |
Một số chuyên gia khuyến cáo hít bóng cười sẽ bị ngộ độc, thậm chí cả ung thư và gây các rối loạn khác trong cơ thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP HCM cho hay, sở dĩ các bạn trẻ thích hít khí cười qua sử dụng “bóng cười” vì nó giống như ma túy nhẹ tạo sự phấn khích và ảo giác.
Thực chất "bóng cười" là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O) thông qua một dụng cụ bơm. Chất khí nitrous oxide khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần sẽ khiến bất cứ ai dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh.
Điều đáng nói là giới trẻ lạm dụng khí cười chỉ để tìm cảm giác ảo. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn, vừa hít bóng cười vừa ôm nhau nhảy trong tiếng nhạc ầm ĩ, cuồng loạn và thấy thế mới là cuộc vui đích thực. Nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Khi quen với cảm giác “phê” ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn.
|
Hít nhiều khí này sẽ bị ngộ độc, thậm chí cả ung thư và gây các rối loạn khác trong cơ thể. Ảnh minh họa: nguồn Zing.vn. |
Trao đổi với báo chí về tác hại của “bóng cười”, BS. Lê Thị Tố Uyên - Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, khí nitrous oxide (N20) là loại khí giảm đau, có vị ngọt nhẹ, không màu. Chất này có thể gây tê, mê toàn thân nhưng không mất tri giác. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh khí N20 sẽ gây rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, nếu dùng nhiều sẽ bị nhiễm độc và sẽ gây nghiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tới yếu tố bệnh lý. Ban đầu nó có thể chỉ đơn thuần là một trò chơi nhưng nếu dùng nhiều, dùng lâu thì sẽ gây nghiện.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, khí cười hay còn gọi là N2O là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Hiện nay, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu.
PGS.TS Trần Hồng Côn cũng khẳng định, sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê pha ma túy.
Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, nhưng những tác hại của nó đối với sức khỏe con người có thể nhìn thấy được. Cụ thể, theo bác sĩ Trần Chí Thành - khoa Ung bướu, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa - khuyến cáo sử dụng N2O quá nhiều gây giãn mạch máu, có hại cho tim mạch và hệ thần kinh.
"Thực tế, việc sử dụng N2O lâu dài nguy hiểm không kém đập đá, nhưng hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể về chất này nên chưa kết luận chính xác được", bác sĩ Thành cho biết.
Hồi tháng 10 vừa qua, thông tin cô gái trẻ 22 tuổi tại Hà Nội bị liệt tay, chân do hít bóng cười được chia sẻ trên nhiều diễn đàn và gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Bạch Mai khẳng định thông tin này không chính xác. Dù cô gái trên không phải là trường hợp phải nhập viện do hít bóng cười, nhưng không thể phủ nhận được tác hại của trào lưu này đối với sức khỏe.
Mời độc giả xem video: Tem giấy - ma túy kiểu mới hủy hoại giới trẻ ra sao?: