Chuyên gia phân tích diễn biến tâm lý phức tạp của nữ sinh ném con

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy – Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc, cho rằng tình trạng tâm lý không bình thường của nữ sinh ném con từ tầng 31 là sự dồn nén từ lâu.

Tâm lý cùng cực, túng quẫn dồn nén
Liên quan đến vụ việc nữ sinh ném con mới sinh từ tầng 31 ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội), chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng diễn biến tâm lý của cô gái khá phức tạp, sự túng quẫn không chỉ là tâm lý nhất thời trong hoàn cảnh đó, mà đã tích tụ dồn nén từ lâu.
Chuyen gia phan tich dien bien tam ly phuc tap cua nu sinh nem con
 Hiện trường vụ nữ sinh ném con từ tầng 31 chung cư Linh Đàm - ảnh Internet
Cô gái này mang thai ngoài ý muốn và chia tay với cha đẻ của cái thai, vì vậy chắc chắn phải giấu giếm, che đậy, lo sợ, điều đó sẽ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần khiến tâm lý không ổn định. Tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài, sự che đậy “khéo” đến mức cả hai người bạn trai đều không nhận ra, mà chỉ nghĩ cô ấy béo thì quả thực áp lực của việc che đậy điều đó với bạn trai, bạn bè, trường lớp, xã hội là không hề nhỏ.
Cô ấy có thể nghĩ đã giấu được thì sẽ quyết giấu đến cùng để không ảnh hưởng cuộc sống cũng như tương lai của mình và quyết định lựa chọn việc loại bỏ đứa trẻ như loại bỏ một cục nợ, một gánh nặng. Trong hoàn cảnh của mình có lẽ cô gái ấy không coi đứa trẻ là con mà chỉ là “cục nợ” nhất định phải vứt bỏ bằng mọi cách.
Tuy nhiên, dù có tính toán trước hay không thì việc một cô gái trẻ sinh con một mình trong nhà vệ sinh, dù là sinh non ở tuần thứ 36 hay sinh ép để phá thai như một số thông tin phân tích trên mạng xã hội, đều có thể gây ra sự hoảng loạn tâm lý. Đau đớn, cô đơn, kiệt sức, máu, đứa trẻ,… những thứ ấy trong thời điểm ấy chắc chắn đã khiến cô gái trẻ thực sự hoảng loạn, cùng quẫn. Chuyên gia Lê Thị Túy cho rằng lúc vứt đứa con là lúc tâm lý cô gái này đã đi vào bế tắc hoàn toàn, dường như bị dồn nén đến cùng cực, rồi không biết nên làm gì nữa.
Không ý thức được hành động
Hành động ném con của cô gái là một hiện tượng không bình thường về tâm lý. Bởi nếu là người bình thường sẽ không ai làm thế. Thực tế, nhiều trường hợp bỏ con ở cửa chùa, ở cổng nhà dân hay trung tâm bảo trợ xã hội, hoặc thậm chí gói lại rồi bỏ ngoài xe rác hay đem chôn trẻ đã chết, hoặc xử lý một cách kín kẽ hơn, tránh bị phát hiện. Hành vi của nữ sinh này rõ ràng là có những vấn đề về tâm lý nghiêm trọng.
Khi đẻ xong cô gái đã tự lấy kéo cắt dây rốn, cô ấy cho rằng đứa trẻ đã chết và có lẽ vào thời điểm đó cô ấy không nghĩ mình có đủ sức để đem đứa trẻ vứt ra khu để rác và cũng không thể cất giấu trong nhà vệ sinh. Có lẽ cảm giác lo sợ, hoảng hốt, tội lỗi, tủi thân, nhục nhã và cô đơn đã khiến cô ấy không ý thức được hành động. Việc ném con từ tầng 31 xuống lúc bấy giờ là hành động không còn lý trí, không còn kiểm soát được hành vi. Quá trình diễn biến tâm lý của cô gái dường như bị dẫn từ cái này đến cái kia, sự túng quẫn tăng dần buộc cô gái trượt theo không thể dừng lại, không thể sáng suốt suy tính.
Vừa đáng trách vừa đáng thương
Trường hợp này, hành động này của cô gái nếu nói trách thì đáng trách vô cùng, nhưng nếu suy nghĩ sâu xa thì có lẽ cô gái ấy cũng có phần đáng thương. Ở hoàn cảnh đã sai lầm trong tình yêu, từ việc không biết giữ gìn, không biết cách tránh thai, cho đến việc không biết xử lý vấn đề mà cố tình che đậy, giấu giếm, lừa dối, và cuối cùng là quyết định sinh ra và vứt bỏ đứa trẻ.
Việc vứt bỏ một đứa trẻ sơ sinh rõ ràng là tội ác, nhưng có lẽ xã hội nên có cái nhìn bao dung hơn là chỉ trích. Bởi suy cho cùng đây là một ví dụ của sự suy đồi lối sống và đạo đức trong giới trẻ. Thực tế, những việc phá thai, vứt bỏ trẻ sơ sinh vẫn diễn ra hàng ngày, một nhóm tình nguyện chuyên đi nhặt trẻ sơ sinh hay bào thai bị vứt bỏ để chôn cất vẫn thu gom hàng trăm hàng nghìn sinh linh tội nghiệp như thế. Tội lỗi là ở những người khiến chúng phải có mặt trên cuộc đời này nhưng lại không được sống làm người. Nhưng tội lớn hơn là ở hệ thống giáo dục, từ giáo dục của gia đình, của nhà trường cho đến sự giáo dục của toàn xã hội.
Từ khi còn nhỏ, trẻ không được giáo dục giới tính đúng cách, đến nơi đến chốn, cho đến lớn lên yêu đương không định hướng, không suy nghĩ, không biết giữ mình, sinh hoạt tình dục không biết cách bảo vệ, khi xảy ra chuyện không có nơi nào tư vấn, đồng hành, không tìm được sự sẻ chia và không biết cách xử lý tình huống.
Lẽ ra những người trẻ cần phải được trang bị ý thức và kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa sự việc không hay xảy ra. Nếu lỡ xảy ra rồi, phải biết bình tĩnh giải quyết: đã lập gia đình được chưa, nuôi con được chưa, nếu chưa sẵn sàng thì giải quyết sớm, khi đứa trẻ chưa thành hình sẽ không vấn đề gì. Nếu để đứa trẻ thành hình rồi mới xử lý thì xem như giết người rồi.
Tất cả những điều đó, gia đình, xã hội, hệ thống giáo dục đều cần phải xem xét lại và chịu trách nhiệm.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)