Lần đầu vạch bụng lên sau sinh mổ, chị Võ Thảo (Hà Nội) đã bật khóc. Cái bụng tròn căng khi bầu bí đã trở thành một “đống bèo nhèo” vừa thâm, rạn, vừa đau đớn.
“Cơn đau vết mổ, vết sẹo, tất cả đã trở thành những ám ảnh kinh hoàng sau sinh”, chị Thảo bộc bạch.
Do thai ngược nên chị Minh Hằng (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) buộc phải sinh mổ. Hiện em bé đã được 2 tuổi, vết mổ đã lành từ lâu nhưng điều khiến chị Hằng khổ tâm nhất là vết sẹo mổ sậm màu, lại bị lồi to, thoạt nhìn như một con giun bám vào thành bụng dưới.
“Điều này khiến mình mất hết tự tin, không dám mặc trang phục yêu thích. Nhiều lần chồng muốn gần gũi, thích thơm vào bụng vợ nhưng mình luôn tìm cách né tránh. Chỉ muốn khóc vì vết mổ lên sẹo quá to”, Hằng tâm sự.
|
Làm sao để trị sẹo sau sinh mổ luôn khiến mẹ trăn trở. Ảnh minh họa. |
Lang thang trên mạng, Hằng thấy nhiều chị em mách dùng kem trị sẹo sẽ “đánh bay” sẹo mổ nhanh chóng. Hằng muốn thử nhưng không biết điều này có làm ảnh hưởng đến vùng da nhạy cảm đó không?
Gắn bó với công việc “bà đỡ” hơn bốn mươi năm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bạo, Nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phó khoa Sản, Bệnh viện ĐKQT Vinmec nhận thấy xu hướng sinh mổ đang ngày càng gia tăng.
Hiện sinh mổ phổ biến tới mức dù chưa có cơn đau chuyển dạ, không thuộc ca đẻ khó nhưng nhiều mẹ đã xin mổ chủ động để đạt được ý nguyện giữ vẹn nguyên vùng kín và chọn sinh “giờ đẹp” cho con.
“Sinh mổ khiến người mẹ không cảm thấy đau trong suốt lúc em bé chào đời. Nhưng do cắt đứt thành bụng một đường dài 10 – 15cm, cắt các sợi thần kinh, không phải là đau sinh lý nên đau đớn sẽ diễn ra nhiều ngày sau. Người mẹ buộc phải dùng thuốc giảm đau, theo đường uống, đặt hậu môn ít nhất hai ngày đầu mới có thể vượt qua được”, Tiến sĩ Huy Bạo nói.
Sau khi vết mổ lành sẽ để lại sẹo. Tùy cơ địa từng người mà sẹo lồi lên lớn hay nhỏ, sậm màu hay chỉ như một đường lằn mờ trên da bụng.
Chăm sóc ĐÚNG CÁCH để có vết mổ đẹp sau sinh
Theo Tiến sĩ Huy Bạo, chị em hoàn toàn có thể có vết mổ đẹp sau sinh nếu được chăm sóc đúng cách.
Điều đầu tiên chị em cần nhớ là chỉ nên băng kín vết mổ trong 24h sau sinh. Sau đó, các mẹ nên tháo bỏ băng để vết mổ được “thở”, khô ráo. Việc vết mổ khô ráo sẽ tránh được nhiễm trùng, chóng lành sau mổ.
Sau mổ, hàng ngày sản phụ cần được sát khuẩn bằng dung dịch Betadine. Việc sát trùng vết mổ không những không hề đau đớn như chị em tưởng tượng mà nó còn giúp phòng tránh nhiễm trùng. “Biến chứng sau sinh mổ hay gặp nhất là nhiễm trùng vết mổ do môi trường sinh nở không đảm bảo sạch sẽ và chảy máu. Cho nên, chị em cần phải sát khuẩn vết mổ hàng ngày sau mổ”, Tiến sĩ Huy Bạo lý giải.
Sau 7 – 10 ngày, chị em được rút chỉ nếu khâu bằng chỉ không tiêu.
Tiến sĩ Huy Bạo cho biết, ba tuần sau sinh là mốc thời gian để chị em thực hiện một công việc quan trọng: Bôi kem trị sẹo. Việc trị sẹo cần áp dụng sớm bởi sẹo chỉ dễ làm mờ ngay sau thời gian vết thương kéo da non. Nếu để quá lâu, vết sẹo mổ trở nên "cứng đầu", sẽ rất khó trị.
Ngoài ra, sản phụ nên kiêng ăn rau muống. “Vì trong đó có chất làm tăng tế bào hạt, gây sẹo lồi. Không ăn nhiều thịt bò vì dễ làm thâm vết sẹo”, Tiến sĩ Huy Bạo tư vấn.
Để tránh bị đau do vải cọ xát vào vết mổ, chị em nên mặc các loại trang phục rộng rãi, thoải mái. Không nên mặc quần lót quá bó sát, cạp trễ để tránh cọ vào vết mổ.
Nếu có dấu hiệu sốt, sưng đau, chảy dịch tại vết mổ, đau bụng, chị em cần đến bệnh viện kiểm tra để có hướng can thiệp kịp thời. Tiến sĩ Huy Bạo khuyến khích: “Một tháng sau sinh, người mẹ nên tái khám sản phụ khoa để kiểm tra độ phục hồi của vết mổ, đề phòng ứ đọng sản dịch kể cả không có những dấu hiệu trên”.
Với kinh nghiệm của chuyên gia hàng đầu ngành sản khoa, Tiến sĩ Hy Bạo nhấn mạnh “Sinh mổ chỉ nên áp dụng trong trường hợp sức khỏe người mẹ không đảm bảo, thai quá to, vòng đầu to, ngôi không thuận, rau tiền đạo nhằm đảm bảo cho cả mẹ lẫn con. Tôi luôn quan niệm da thịt con người cần được nâng niu, trân trọng, bảo vệ tốt nhất, tránh đau đớn, tổn thương. Vì thế, đã dao kéo động đến da thịt con người là phải thật cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh lạm dụng!”.