Áp lực học tập trong nhà trường cũng như kỳ vọng từ phía gia đình khiến không ít học sinh bị sang chấn tâm lý do học. Chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần học, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) đã chia sẻ và tư vấn cách để “giải thoát” cho các sĩ tử.
Phát điên vì…học
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng tiếp nhận cho các trường hợp học sinh, sinh viên phải nhập viện điều trị tâm lý do học tập. Điều dưỡng Nguyễn Thị Diễn làm việc tại đây chia sẻ, một trường hợp bệnh nhân là Nguyễn Hải H. (Lập Thạch, Phú Thọ) đang là học sinh lớp 12 phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân này nhập viện trong trạng thái tâm thần bất thường, lúc cười khanh khách, khi lại thẫn thờ mặt mũi ngây dại như người mất hồn. Người nhà gia đình cho các bác sĩ ở đây biết, cháu H. rơi vào tình trạng này cách đây khoảng 1 năm. Qua thăm khám sơ bộ, các bác sĩ nhận ra căn bệnh của cháu cũng là một trong những trường hợp điển hình của áp lực học tập lên con trẻ. Theo lời kể của bố em H., khi đang học THCS, được tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, trước kỳ vọng của gia đình, cháu học ngày học đêm. Tuy nhiên trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh thì cháu bị loại. "Nó trở nên lầm lì, ít nói. Có khi đang ăn cơm nó chạy ra ngoài cười khanh khách”- bố em H. nói.
|
Một trường hợp bệnh nhân đang điều trị tâm thần tại bệnh viện TTTW 1. Ảnh: Vi Hậu. |
Hay trường hợp bệnh nhân Lý Hoàng N. ( 15 tuổi ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại đây cũng là một trong những trường hợp nhập viện tâm thần vì áp lực học tập. Bác sĩ Nguyễn Hải Anh đang điều trị cho N. kể: “ Khi gia đình đưa cháu N. đến đây thăm khám, tôi lấy làm lạ và rất ngạc nhiên. Không ai nghĩ một học sinh trông rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà thần kinh cháu lại yếu đuối như vậy. Hỏi chuyện gia đình cháu và bản thân cháu tôi nắm được nguyên nhân do gia đình cháu quá mong mỏi cháu phải thi đỗ vào một trường chuyên trong thành phố nên gia tăng áp lực học cho cháu. Bản thân N. luôn có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của trường. Tuy nhiên đợt thi tuyển vừa rồi cháu không đủ điểm vào trường điểm đã đăng ký nên rơi vào tình trạng trên.
Giảm áp lực thì cử gỡ rối loạn tâm thần
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia) phân tích: bản thân tôi đã trực tiếp thăm khám, tư vấn cho nhiều trường hợp bệnh nhân tại đây cho thấy một thực trạng các cháu học sinh, sinh viên bây giờ chịu quá nhiều áp lực. Kỳ vọng lớn từ các bậc phụ huynh mong muốn con mình trở thành người tài giỏi nhưng họ quên mất năng lực thực sự của chúng. Họ ngày càng gia tăng áp lực cho trẻ và ép con mình học mà không định hướng theo đúng năng lực và sở trường của con.
Phía nhà trường, hiện nay vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh cũng không bắt nhịp được sự phát triển tâm sinh lý của các em. Phương thức dạy máy móc, lạc hậu, yêu cầu học sinh ghi chép đầy đủ và học thuộc lòng, học để thi.
Theo bác sĩ Tuấn, đáng lo hơn, hiện nay có tình trạng các bậc phụ huynh cứ gần đến kỳ thi đi săn lùng các loại thuốc bổ não để con thông minh hơn. Thực tế, không có loại thuốc nào giúp trẻ thông minh lên được ngoài sự nỗ lực bản thân và ôn tập có khoa học.
Để giải quyết tình trạng học sinh bị rối loạn tâm lý tâm thần thì cả gia đình – nhà trường – xã hội cần phải vào cuộc. Gia đình phải hướng cho trẻ phát triển đúng năng lực, sở trường và đam mê của con và các con mới là người đưa ra quyết định lựa chọn các vấn đề liên quan đến mình như chọn trường, chọn ngành học. Điều đó sẽ giảm áp lực cho trẻ, phát huy yếu tố tố bẩm sinh (năng khiếu) của trẻ. Vào mùa thi vẫn phải cho trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi bình thường.
Nhà trường phải giáo dục kỹ năng, tư duy, giải quyết vấn đề của bản thân và xã hội. Các trường tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại là điều tốt nhưng họ phải hiểu tâm lý của học sinh và cho các cháu tận mắt chứng kiến vấn đề. Chẳng hạn tâm lý trẻ nam và trẻ nữ khác nhau. Trẻ nữ nặng về cảm xúc nhẹ về lý trí còn trẻ nam thì ngược lại. Vì vậy, con gái thường nhẹ dạ, dễ bị lợi dụng, lạm dụng do đó phải dạy dỗ, hướng dẫn các cháu. Ví dụ, ta có thể đưa các cháu thăm các bệnh viện phụ sản để thấy hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai đau đớn đến mức nào. Phân tích cho các cháu hiểu hậu quả của sự nhẹ dạ, cả tin để từ đó, biết các biện pháp phòng tránh.
Với trẻ nam, ta có thể cho tham quan các trại giam, thậm chí ăn một bữa cơm của phạm nhân và chỉ cho các em thấy nguyên nhân và hậu quả khi phạm tội để tránh mắc phải. Xét về tâm lý, nếu các cháu biết trại giam khổ sở thế nào thì sẽ giảm tội phạm.