Nghiên cứu của Yale xác nhận
Nghiên cứu do các nhà khoa học của đại học Yale danh giá (Hoa Kỳ) thực hiện bằng cách theo dõi 280 người được chẩn đoán mắc ung thư vào năm 2004 và chữa trị bằng các phương pháp thay thế (alternative medicine), và so sánh họ với 560 bệnh nhân ung thư được chữa trị bằng các phương pháp chính thống (conventional medicine) như hoá trị, xạ trị và phẫu thuật.
|
Phẫu thuật robot tinh xảo có thể giải quyết triệt để khối u, trong trường hợp này nếu bổ sung thêm điều trị thay thế, bệnh nhân sẽ có được nhiều ích lợi hơn. Ảnh: TLVT. |
Nghiên cứu phân tích những dạng ung thư khác nhau gồm ung thư vú, phổi, tiền liệt tuyến và đại tràng. Kết quả sau năm năm, người ta thấy 78,3% người lựa chọn điều trị bằng phương pháp chính thống vẫn còn sống, trong khi ở nhóm chữa không chính thống tỷ lệ này chỉ là 54,7%.
Cụ thể hơn, các nhà khoa học phát hiện bệnh nhân ung thư phổi có nguy cơ tử vong tăng gấp đôi nếu họ chọn những giải pháp không chính thống để chữa trị ung thư. Ở bệnh nhân ung thư đại tràng, nguy cơ này là bốn lần; còn ở bệnh nhân ung thư vú, nguy cơ tăng đến… năm lần! Nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín Journal of the National Cancer Institute của hội Ung thư quốc gia Hoa Kỳ.
TS Skyler Johnson, tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Chúng tôi có bằng chứng cho rằng việc chọn lựa điều trị thay thế thay cho điều trị chính thống chỉ mang lại kết quả tệ hại hơn mà thôi. Hy vọng thông tin này có thể được bệnh nhân và thầy thuốc sử dụng trước khi đưa ra những quyết định điều trị ung thư có ảnh hưởng đến thời gian sống còn của bệnh nhân”.
Bình luận về nghiên cứu này trên Facebook cá nhân, bác sĩ người Việt TN Trung, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ: “Đây là một nghiên cứu rất hữu ích vì chưa có nhiều số liệu chứng minh tác dụng của các phương pháp thay thế. Quyết định dùng biện pháp điều trị nào đôi lúc rất khó khăn. Người bệnh và bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Nghiên cứu này cho thấy ít nhất là không nên bắt đầu điều trị ung thư, đặc biệt khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, bằng các phương pháp thay thế”.
Vì sao y học không chính thống vẫn có đất sống?
T., 40 tuổi, ngụ tại TP.HCM, cách đây ba năm bị ung thư họng và điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Nhưng chỉ sau sáu tháng điều trị anh chuyển sang tập thiền, yoga cũng như tuân thủ một chế độ ăn đặc biệt. Gặp lại T. cách đây một tháng, anh cho biết mình đã khoẻ lại và tiếp tục làm nghề xây dựng. Không dấu hiệu nào cho thấy đây từng là một bệnh nhân ung thư.
BS Lê Tuấn Anh, phó giám đốc trung tâm Ung bướu kiêm trưởng khoa hoá – xạ trị bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, giải thích: “Ở Mỹ các phương pháp yoga, xoa bóp, âm nhạc liệu pháp, châm cứu, ăn uống… được xếp vào phương pháp điều trị ung thư thay thế. Thay thế không phải là thay cho các phương pháp điều trị ung thư chính thống, mà có nghĩa là “điều trị khác”, “điều trị còn lại”. Một ngày nào đó, một phương pháp “điều trị khác” có thể được chứng minh giá trị khoa học thật sự và ngoi lên thành phương pháp điều trị chính thống, hoặc cũng có thể nó chỉ nằm yên ở nhóm đó đóng vai trò điều trị hỗ trợ cho nhóm điều trị chính thống”.
Khó liệt kê hết hàng trăm phương pháp tự nhận mình là điều trị ung thư thay thế, nhưng theo trang web Mayo Clinic uy tín của Hoa Kỳ, có mười phương pháp nói chung là an toàn, vì có một số bằng chứng cho thấy chúng cũng mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư. Đó là thiền, châm cứu, liệu pháp mùi hương, tập luyện, thôi miên, xoa bóp, yoga, âm nhạc, thái cực quyền và các kỹ thuật thư giãn.
Không thầy thuốc nào khuyên bệnh nhân ung thư chọn điều trị không chính thống như giải pháp đầu tiên, thế nhưng chúng vẫn tồn tại vì mang lại một sự điều trị toàn diện cho bệnh nhân.
Theo chuyên gia của Mayo Clinic, chẳng hạn nếu bệnh nhân lo âu, họ có thể thử áp dụng phương pháp xoa bóp, thiền, thôi miên, thư giãn; nếu bị nôn, buồn nôn, có thể áp dụng châm cứu, liệu pháp mùi hương hay âm nhạc; còn nếu bị rối loạn giấc ngủ có thể tập luyện, tập yoga và những kỹ thuật thư giãn.
BS Tuấn Anh nói tiếp: “Ở Úc và châu Âu có một số trung tâm phục hồi ung thư rất hiện đại, tại đây bệnh nhân gặp vấn đề khi điều trị bằng phương pháp chính thống sẽ được bổ sung bằng các phương pháp thay thế. Điều này giúp bệnh nhân sống lâu hơn, chất lượng hơn so với bệnh nhân không áp dụng phương pháp thay thế. Nhưng cần nhấn mạnh, điều trị thay thế không thay được điều trị chính thống”.
Một khía cạnh về điều trị thay thế cũng đáng phải lưu ý, đó là tình trạng kinh doanh, lạm dụng lòng tin bệnh nhân. John Bridgewater, chuyên gia ung thư của bệnh viện University College London (Anh) nói: “Cây cỏ và khẩu phần ăn dường như không quá đắt đỏ, nhưng khi chúng được cung cấp qua nhà phân phối thì giá đội lên rất nhiều lần. Đó là một ngành công nghiệp tỉ đôla. Người ta bỏ tiền cho điều trị thay thế còn nhiều hơn cả điều trị chính thống”.