Ngày 18/10, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, và ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương - đã đến thăm gia đình cháu bé nghi bị chứng đầu nhỏ vì mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai.
Đó là cháu Nhân (4 tháng tuổi), con chị Y Thanh ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.
Chị Thanh cho biết đã bị sốt, phát ban khi mang thai ở tháng thứ 3 và 6. Khi đó, tại khu vực này, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
"Đến tháng thứ 8, tôi đi siêu âm thì bác sĩ nói cháu bị chứng đầu nhỏ, rồi cho về. Sau khi sinh cháu được thời gian, hàng xóm nói con bị nhiễm virus Zika, nên đưa đi khám", chị Thanh nói.
|
Bác sĩ thăm khám cho cháu Nhân sáng 18/10. Ảnh: M. Q. |
Theo đại diện Sở Y tế Đắk Lắk, sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika. Các lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
"Để đảm bảo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã lấy mẫu gửi các cơ quan chức năng xét nghiệm lại và đến nay chưa có kết quả", vị này nói.
Thông tin tại nhà nạn nhân, Cục trưởng Phu cho biết cháu Nhân bị bệnh đầu nhỏ là chắc chắn.
Tuy nhiên, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra, như virus (Rubella), vi khuẩn (giang mai), ký sinh trùng (Toxoplasma), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.
"Cục đang phối hợp với các đơn vị để lấy mẫu đi xét nghiệm để đưa ra kết quả cuối cùng", ông Phu nói.
Theo các cơ quan chức năng, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus này.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam lên cấp độ 3.
Tên bệnh nhân được thay đổi.