Thời gian qua, PV đã từng đăng tải bài viết về cháu Trần Việt Trung (7 tuổi, ở Hướng Hóa, Quảng Trị) bị bỏng lửa nặng do các bạn dùng bật lửa đốt áo.
Khi được đưa tới Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, cháu đã bị thầy lang Nguyễn Hùng S. dụ dỗ đưa về nhà chữa trị bằng thuốc đông y, khiến bệnh tình nặng hơn, làm cho toàn bộ phần nách tay phải dính liền vào nhau.
|
Cháu Trần Việt Trung vừa phẫu thuật lần hai tại Viện Bỏng Quốc gia. (Ảnh: Ảnh gia đình cung cấp) |
Cháu được đưa trở lại Viện Bỏng Quốc gia sau 3 tháng bị thầy lang lừa chữa bỏng, lúc này, tình trạng bệnh đã rất nặng, cánh tay phải không thể nhấc lên được do dinh liền vào sườn. Các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu, phẫu thuật giải phóng dính liền, co kéo.
Theo thông tin gia đình cung cấp, ngày 9/8 vừa qua, cháu đã phải nhập viện lần hai để tiếp tục điều trị các vết thương do điều trị bỏng bằng thuốc đông y của thầy lang Nguyễn Hùng Sơn gây ra.
Bệnh tật khổ đau, kể từ ngày bị bỏng (6/1 âm lịch 2017) cho tới nay đã hơn nửa năm, Trung vẫn chưa được trở về nhà. Rong ruổi khắp từ Bệnh viện Trung ương Huế, tới Viện Bỏng Quốc gia, điều trị tại nhà thầy lang, rồi lại trở về Viện Bỏng Quốc gia.
Trước khi nhập Viện Bỏng Quốc gia, để phẫu thuật lần hai và chuẩn bị cho phẫu thuật Trung cũng phải ở hơn một tháng tại Bệnh viện Trung ương Huế để tập phục hồi chức năng.
Nửa năm Trung nằm viện, cũng là nửa năm bố mẹ chạy theo chăm chút cho cậu con út trong gia đình năm anh em này. Toàn bộ vai trò kinh tế trong gia đình đều do bố mẹ Trung đảm nhận, cũng phải trì hoãn lại để lo điều trị cho Trung.
Cho tới nay, hoàn cảnh kinh tế gia đình bệnh nhi này đã “không còn đường thoát”. Gia đình bệnh nhi khốn khổ này sắp bị đuổi ra khỏi nhà.
Theo như chị Lý Hoài Thơ (mẹ Trung), từ những năm 2006, gia đình có kinh doanh, sản xuất cà phê, kinh tế cũng không đến nỗi quá khó khăn.
|
Gia đình 8 người hiện giờ đang ở trong khu nhà rộng khoảng 10m2. (Ảnh: Ảnh gia đình cung cấp) |
Nhưng kể từ năm 2011 trở đi, giá cà phê tụt giảm mạnh, gia đình làm ăn thua lỗ, phá sản phải bán toàn bộ tài sản để trả nợ ngân hàng.
Nửa đầu năm 2013, gia đình quyết định thế chấp toàn bộ tải sản, vay hơn 2 tỷ đồng để thuê lại trang trại rộng hơn 12.000m2 của Công ty TNHH một thành viên Phú Hoàng Anh trong 6 năm để chăn nuôi, thả cá nhằm vực dậy kinh tế gia đình.
Vực dậy kinh tế chưa thấy đâu, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, cộng với giá lợn giảm mạnh thời gian vừa qua khiến toàn bộ trang trại hàng trăm con lợn, hàng ngàn con vịt, ngan không thể tiêu thụ, nợ chồng nợ, nghèo càng thêm nghèo.
Bệnh của con chưa lành, nợ lãi ngày càng nặng, gia đình chị còn nhận được thông báo về việc giải tỏa mặt bằng và thu đất nơi gia đình chị đang làm ăn và sinh sống.
Theo UBND xã Tân Hợp, khu đất hơn 12.000 m2 gia đình chị đang thuê thuộc khu đê hồ chứa thủy lợi trong công tác phòng chống lụt, bão và cần phải được thu hồi để tiến hành tu sửa mặt đê, đảm bảo an toàn cho hạ lưu mùa mưa lũ.
Theo chị Thơ, để thuê được khu đất này và có tiền làm kinh tế, gia đình chị đã phải thế chấp toàn bộ tài sản gia đình, cho tới nay chưa trả được nợ nên đã bị ngân hàng tích thu toàn bộ nhà cửa.
Gia đình 8 người, bao gồm cả bà nội 73 tuổi giờ đây chỉ sống trong khoảng 10m2 được ngăn tách ra khỏi chuồng lợn để che mưa, che nắng.
Lợn thì nay mất trắng, nợ hơn 1 tỷ đồng, đàn cá chị thả 6 năm mới thu hoạch, nay cũng đứng trước nguy cơ mất trắng vì mới chỉ được một nửa thời gian đã sắp bị thu hồi.
Về quyết định bị thu hồi lại đất là do việc chăn nuôi heo trái quy định trong hợp đồng cho thuê đất, chị Thơ nói, không hề biết Công ty TNHH một thành viên Phú Hoàng Anh thực hiện không đúng mục đích thuê đất từ đầu. Khi gia đình chị thuê lại, đã thấy có khu chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng sẵn từ trước.
Sẵn bản tính cần cù, cùng mong muốn thoát nghèo, gia đình đã đi vay vốn ngân hàng để làm ao thả cả, kinh doanh gia súc, gia cầm.
“Chị không còn biết đi về đâu nữa khi nhà cửa không còn, Trung thì đang bệnh nặng chưa biết bao giờ mới khỏi, đàn heo thì mất trắng, đàn cá cùng khu đất cũng sắp bị người ta lấy đi, gia đình chị chỉ còn biết ra đường ở”, chị Thơ nói trong nước mắt.
Gia đình cũng đã làm đơn xin cứu xét gửi lên UBND tình Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa, xin gia hạn thời gian thuê đất, trước mắt là để tập trung chữa trị cho Trung, sau là để gia đình có thể thu hồi nốt số vốn đã bỏ ra, trả nợ cho ngân hàng, tuy nhiên không được thông qua.
UBND huyện vẫn yêu cầu gia đình chị cần phải giải toàn toàn bộ mặt bằng, thu hoạch cây trồng, vật nuôi để bàn giao lại cho UBND xã quản lý.
Chị nói: “Chị chỉ mong họ cho thêm chút thời gian, cho tới khi chi có thể thu hồi đàn cá hay chí ít là cho tới khi Trung nó được ra viện”.
Kinh tế gia đình đã là một chuyện, kinh tế điều trị cho Trung cũng là cả một gánh nặng đang đè lên vai những người cha, người me mẹ khốn khổ là Chị Lý Hoài Thơ và anh Trần Thỏa. Bản thân Trung cũng bị thầy lang Nguyễn Hùng S. dụ dỗ chữa trị miễn phí, lừa cả tiền tự thiện gần 100 triệu đồng mà em đáng được hưởng.
Hiện nay, Trung đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, tuy nhiên vẫn chưa biết được ngày nào Trung có thể thực sự trở về nhà. Mà có lẽ, đến lúc được ra viện, căn nhà thực sự của gia đình Trung cũng đã không còn nữa...