Nằm viện đã 10 ngày, bệnh nhân Nguyễn Văn Việt, 37 tuổi, huyện Hải An, Hải Phòng tỉnh táo nhưng đùi phải vẫn sưng to, ấn chắc, da tím.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân Việt, được biết bệnh nhân bị thoái hoá đĩa đệm cách đây 5 năm, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau.
5 ngày trước khi vào viện (21/4), bệnh nhân Việt được thầy lang vườn tiêm corticoid vào khớp gối và thắt lưng.
Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân thấy vùng đùi phải sưng to, tấy đỏ nên đến Bệnh viện Việt - Tiệp, Hải Phòng khám và được chuyển ngay đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, anh Việt được đặt catheter tĩnh mạch phải, dùng kháng sinh. điều trị 1 ngày bệnh nhân được chuyển tiếp sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
|
Thăm khám cho một bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TN |
Một bệnh nhân khác cũng là nạn nhân của thầy lang vườn tiêm thuốc đến mức sốc nhiễm trùng nặng là Phạm Đức Tuân, 43 tuổi (quê ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Bệnh nhân này vào viện vì sốt, sưng đau đùi trái, tiền sử uống rượu nhiều.
Khoảng 1 tuần nay, bệnh nhân đau nhức chân, đi khám thầy lang gần nhà thì được tiêm thuốc vào mông, khoeo chân. Liệu trình đến ngày thứ 4, bệnh nhân sốt, nóng, gai rét, kèm theo sưng nề vùng đùi trái, tấy đỏ, đau nổi phỏng nước.
Ngay lập tức gia đình đã đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai xử trí đặt catheter sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, vùi đùi, mạn sườn trái sưng nề đỏ ấn đau tức, nổi phỏng nước dịch.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, cả hai bệnh nhân trên đều có hiện tượng hoại tử, nhiễm trùng sưng nề vùng tiêm. Bệnh tiến triển rất nhanh, khi vào viện đều tiên lượng nặng, rất may bệnh nhân còn trẻ nên sức đề kháng tốt.
“Cả 2 bệnh nhân này đều được thầy lang tiêm theo kiểu đau chỗ nào tiêm chỗ đấy, những vùng tiêm có hiện tượng sưng nề. Trong đó, một bệnh nhân được xác định là tiêm corticoid giảm đau, bệnh nhân còn lại không rõ được tiêm thuốc nào” – BS Cấp nói.
Theo BS Cấp, các thầy lang chỉ học về dược lý của các thuốc Đông y, châm cứu chứ không học về tiêm truyền, giải phẫu, dược lý, vì thế việc tự động tiêm truyền cho bệnh nhân rất nguy hiểm. Trên da chứa rất nhiều vi trùng nếu tiêm không đúng, không đảm bảo vô trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng, các vi trùng này có thể xâm nhập qua vết tiêm nhỏ. Chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng không đúng, kỹ thuật tiêm không chuẩn.
Hiện bệnh nhân 43 tuổi quê ở Thái Bình vẫn đang nằm điều trị tại khoa, dự kiến phải mất 1 tuần nữa mới có thể xuất viện. BS Cấp cho biết, thi thoảng khoa Cấp cứu vẫn gặp một vài trường hợp bị như trên.
Mời quý độc giả xem video về Bệnh ung thư: