Tại buổi tọa đàm “Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc – Nhận diện và ứng phó” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đinh, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) kết hợp cùng với Tổ chức CARE tại Việt Nam tổ chức ngày 23/11, một bạn nam chia sẻ, cậu từng bị quấy rối tình dục khi đi làm dự án với một nhóm các anh, chị. Nhưng thứ mà cậu nhận được không phải là kinh nghiệm nghề nghiệp mà lại là những câu gợi tình, gạ tình rủ đi nhà nghỉ.
Đáng nói hơn kẻ gạ gẫm ấy chính là người anh trong đoàn dự án mà cậu đang theo học hỏi. Nhưng vì là đàn anh, là người có tiếng nói hơn, nên cậu chọn cách nhẫn nhịn để có thể hoàn thành dự án một cách êm đẹp. "Những điều đó ám ảnh em suốt một thời gian dài" - cậu chia sẻ.
Một nữ sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết, em từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục ngay chính trong môi trường giáo dục. Các bạn nam trong lớp thường xuyên trêu ghẹo, thậm chí là đụng chạm đến cơ thể em. Không chọn cách im lặng, em đã dùng thái độ dứt khoát phản kháng, nhưng thay vì dừng lại, những kẻ quấy rối em lại tỏ thái độ khinh miệt với những câu bông đùa. Họ thường đổ lỗi: “phải có gì thì chúng tao mới đụng chạm chứ, không thích à” hay mắng chửi “cứ tưởng báu lắm đấy à, làm gái thì để chi con trai trêu là đúng rồi”.
Biết rằng khó có thể ngăn được hành vi quấy rối này, bạn nữ dần trở nên nhút nhát hơn trong việc tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Những chia sẻ nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các bản trẻ tham gia buổi tọa đàm. Tuy nhiên cũng có không ít phản hồi trái chiều với những câu chuyện này, trong đó có những lời dèm pha, đổ lỗi cho chính những nạn nhân. Một bạn nam trong tọa đàm mạnh dạn “Vậy trong trường hợp một số bạn nữ ăn mặc hở hang trước mặt các bạn nam thì đó có phải quấy rối tình dục không?”
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA khẳng định: “Không ai cấm những bạn nữ không được ăn mặc hở hang, quan trọng là những lời nói, hay hành động mà bạn nữ ấy thể hiện ra, nếu chỉ dừng lại ở việc ăn mặc thì điều đó chưa thể nói lên điều gì cả”.
Theo bà Vân Anh, hiện nay, hầu hết nam giới đều có xu hướng quấy rối tình dục, nhưng họ thực hiện điều đó một cách khá vô tư và chỉ coi đó là đùa vui. Đơn giản như việc một bạn nữ đang cầm một túi bưởi thì có người bông đùa: “bưởi của em to nhỉ”. Họ nói cho vui miệng nhưng điều đó khiến những bạn nữ cảm thấy vô cùng khó chịu và không thoải mái, thậm chí có phần xấu hổ.
Rất nhiều người bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, thay vì lên tiếng để được bảo vệ thì phần lớn họ chọn sự im lặng vì tâm lí mặc cảm, tự ti và xấu hổ với mọi người xung quanh. Nhiều trường hợp nạn nhân nhẫn nhịn chịu đựng vì bị chính những kẻ quấy rối họ dùng quyền lực cấp trên để khống chế.
"Nhiều người thường nói im lặng là vàng nhưng đối với những nạn nhân bị quấy rối tình dục thì sự im lặng lại là sự chịu đựng, sự bất hạnh. Đây cũng là những bế tắc, những nỗi đau mà nạn nhân không biết chia sẻ với ai" - bà Vân Anh nói.