Theo thông tin mới nhất về chấn thương nghiêm trọng của Hùng Dũng thì tiền vệ CLB Hà Nội đã bị gãy 1/3 xương cẳng chân phải sau cú vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh.
Kết quả chụp X-quang đã chỉ ra là cả phần xương chày (xương chính) và xương mác (xương phụ) đều bị gãy bởi tác động của ngoại lực.
Ngay trong sáng nay 24/3, Hùng Dũng sẽ lên bàn mổ để xử lý chấn thương kinh hoàng của mình. Bầu Hiển cũng chỉ đạo ban lãnh đạo Hà Nội lựa chọn đội ngũ y khoa tốt nhất tại TP.HCM để phẫu thuật cho anh.
|
Đỗ Hùng Dũng trong bệnh viện chờ phẫu thuật. Ảnh: Vietnamnet. |
Hiện vẫn chưa thể đánh giá chính xác nhất tác động của chấn thương tới khả năng bình phục và chơi bóng trở lại của tiền vệ Hùng Dũng. Nếu may mắn, Hùng Dũng có thể phải dưỡng thương ít nhất 6 tháng. Song rất khó để anh trở lại thi đấu trong năm nay.
Phương pháp điều trị chấn thương của Hùng Dũng
Tuỳ vào mức độ, từng trường hợp và độ nghiêm trọng của các ca gãy xương mà các bác sĩ sẽ xác định được phương pháp điều trị.
Chấn thương của Hùng Dũng có lẽ thuộc vào trường hợp xương gãy nhưng vẫn nằm trong da, ít nghiêm trọng hơn so với việc xương gãy xuyên qua da (lộ xương ra ngoài).
Với trường hợp xương gãy trong da, các bác sĩ sẽ dùng nẹp giúp đưa xương trở lại vị trí ban đầu và cố định nẹp để chờ xương tự lành. Tuy nhiên trường hợp quá nặng, các bác sĩ vẫn phải mổ để dùng vít y tế hay tấm nẹp để cố định các phần bị gãy của xương mác và xương chày.
Trong quá trình điều trị, giới y khoa cũng sẽ sử dụng các biện pháp để ngăn ngừa biến chứng, và từng bước phục hồi chức năng của chi dưới.
Nếu không cần phẫu thuật, bệnh nhân có thể bó bột chân bị gãy và sử dụng nạng để di chuyển hoặc bốt đi bộ. Khi xương đã lành, bệnh nhân có thể tập nâng chân, kéo căng xương và cải thiện chức năng các khớp bị yếu với sự trợ giúp của bác sĩ vật lý trị liệu.
Thời gian điều trị chấn thương của Hùng Dũng
Tuỳ vào tình trạng chấn thương, độ nghiêm trọng mà mỗi người sẽ có thời gian lành khác nhau. Nhìn chung gãy xương mác sẽ mau liền hơn gãy xương chày, thường sau khoảng 8 – 10 tuần bó bột và tuân thủ đúng chỉ định bác sĩ thì bệnh nhân gãy xương mác sẽ hồi phục.
Khi bị gãy xương mác, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bó bột định hình. Trong quá trình bó bột, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực bó để quấn thêm bột cho kín hoặc thay bột khác cho phù hợp.
|
Tình huống dẫn tới chấn thương của Hùng Dũng. Ảnh: CAND. |
Trong khoảng thời gian điều trị hồi phục, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định và bài tập mà bác sĩ tư vấn để phục hồi chức năng và vị trí của xương mác, trả lại vai trò hỗ trợ trọng lực cho cơ thể và tạo nên cử động linh hoạt cho khớp cổ chân.
So với gãy xương mác thì thời gian bình phục gãy xương chày sẽ diễn ra lâu hơn do đây là xương chính. Nhìn chung, thời gian phục hồi của một người có thể kéo dài từ 4 – 6 tháng hoặc hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Riêng đối với gãy hai xương cẳng chân 1/3 dưới do hệ thống cơ bao quanh xương chày chỉ chủ yếu mặt sau cẳng chân, còn mặt trước chỉ có da, gân bọc xương, nên thời gian liền xương vùng này thường chậm, thậm chí nhiều trường hợp xương không liền, sẽ phải mổ ghép thêm xương. Thời gian để cầu thủ phục hồi và chơi thể thao lại có thể lâu hơn.
Mời độc giả theo dõi video "Rợn người: Đỗ Hùng Dũng gãy gập chân sau tình huống vào bóng nguy hiểm của Hoàng Thịnh". Nguồn: NEXT SPORTS.
Với chấn thương gãy xương nghiêm trọng trên, Hùng Dũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc trở lại thi đấu sau này, nghiêm trọng hơn thì có thể ảnh hưởng tới cả sự nghiệp sau này.
Trước mắt, Hùng Dũng sẽ có nguy cơ phải nghỉ chơi bóng dài hạn từ 4 tháng đến 1 năm. Cụ thể, anh sẽ không thể thi đấu cho Hà Nội tại V-League 2021 và cũng lỡ hẹn với các trận đấu còn lại ở Vòng loại World Cup 2022 cùng ĐT Việt Nam tại UAE trong tháng 6 tới.