Mohammed Arbrar, đến từ Pakistan hiện đang được coi là cậu bé béo nhất thế giới khi nặng gần 200kg. Cậu ăn gấp 4 lần khẩu phần của người lớn và vì thể trạng quá lớn nên không thể nhấc chân đi nổi 3 bước. Hiện tại Mohammed Arbrar vừa trải qua một ca phẫu thuật cắt bỏ bớt dạ dày để nỗ lực giảm cân, cứu vớt cuộc sống của mình.
Sinh ra chỉ nặng 3,6kg như bao em bé khác nhưng cân nặng của Mohammed lại tăng chóng mặt trong thời gian ngắn khiến bố mẹ cậu cũng bất ngờ. Mới 6 tháng tuổi, Mohammed đã nặng 19kg. Việc chăm sóc cậu bé cũng trở nên rất khó khăn với cả gia đình.
Mẹ cậu-bà Zareena-chia sẻ: “Cân nặng của thằng bé không ngừng tăng. 2 tuổi, con đã uống 2 lít sữa. Giống như thể dạ dày không bao giờ biết no vậy. Con luôn khóc vì đói. Để bế được thằng bé là vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải làm riêng một cái giường và nôi riêng để thay tã”.
|
Cậu bé 10 tuổi nặng gần 200kg. |
Bố mẹ của cậu bé, người còn có 2 đứa con khỏe mạnh khác, chia sẻ rằng Mohammed luôn đói bụng khi còn nhỏ và uống hết lượng sữa gấp 5 lần so với anh chị mình. Cậu quá nặng đến mức mẹ cậu không thể thay tã cho cậu một mình mà phải dùng một chiếc giường đặc biệt phù hợp.
"Chúng tôi chưa từng nghe về béo phì. Khi thằng bé còn là một đứa trẻ, con rất bụ bẫm và chúng tôi thậm chí còn tự hào về vóc dáng của con. Nhưng khi 6 tuổi, thằng bé nặng hơn 95kg và ăn một bữa bằng 4 lần khẩu phần của người lớn", mẹ cậu chia sẻ.
Khi bố mẹ quyết định sẽ không bao giờ cho Mohammed ăn đồ ăn vặt nữa, cậu lại dễ dàng nuốt chửng 4 đĩa cơm hoặc 10 chiếc bánh roti kèm cà ri gà trong nháy mắt: "Sự thèm ăn của thằng bé như không bao giờ được thỏa mãn. Dù tôi nấu món gì, thằng bé cũng ăn hết một nửa và chừa phần còn lại cho những người trong nhà".
Vì thân hình quá khổ của mình, Mohammed cũng không thể thực hiện những hoạt động cơ bản hay vui chơi bình thường, đến trường học như bạn bè cùng trang lứa. Cậu chưa từng đi học và không thể đi một lúc quá 3 bước. Cân nặng chính xác hiện tại của Mohammed là 197kg (31 stones).
Chuyên gia khuyến cáo về những nguy cơ khi bị béo phì
Tiểu đường :Bệnh tiểu đường là một rối loạn trao đổi chất, cơ thể không có khả năng sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc insulin tạo ra hoạt động không hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trong Diabetes Care cho thấy bệnh béo phì là nguyên nhân chính của bệnh tiểu đường loại 2.
Huyết áp cao: Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, và một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên tạp chí Ochsner Journal cho thấy béo phì và tuổi tác là nguyên nhân chính làm tăng huyết áp. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, giảm cân là điều đầu tiên cần làm để điều trị huyết áp cao.
Cholesterol cao: Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng có cholesterol cao. Mức độ bất thường của các chất béo trong máu là một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch vành.
Bệnh tim và đột quỵ: Béo phì dẫn đến sự tích tụ mảng bám bên trong các động mạch vành. Mảng bám tắc làm nghẽn dòng máu mang oxy đến tim. Hơn nữa, béo phì có thể góp phần làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tim. Nguy cơ đột tử do bệnh tim cũng như đột quỵ cũng tăng lên khi bị béo phì.