Nghiên cứu hiện đã được đăng trên tạp chí khoa học The Journal of Neurology, Neurosurgery & Psychiatry.
Chứng sa sút trí tuệ là chứng bệnh xuất hiện ở não vài chục năm có thể ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp xã hội của con người. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể làm gia tăng sự cách biệt của cá nhân đối với xã hội.
|
Ảnh minh họa. |
Để đi đến kết luận nói trên, nhóm nghiên cứu đến từ University College London (UCL – Anh) đã phân tích dữ liệu của 800.000 người trên toàn thế giới và khảo sát kết quả của 15 nghiên cứu khác được tiến hành ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Các nhà khoa học nhận thấy, việc sống độc thân làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ sớm lên tới 42%. Với người từng kết hôn rồi sau đó ly hôn hay góa bụa, nguy cơ mắc bệnh tăng lên 20%.
Lý do là bởi, khi sống cùng bạn đời, mỗi cá nhân có thể dễ dàng duy trì các thói quen tốt hơn thông qua những việc họ phải làm cùng nhau. Chính việc cùng chăm sóc nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái, chịu trách nhiệm về nhau giúp các cặp đôi kiểm soát lẫn nhau trong điều trị bệnh tật. Điều này có giá trị phòng ngừa với hầu hết các bệnh tâm thần, chứ không riêng gì sa sút trí tuệ.
Cuộc sống hôn nhân còn phát triển năng lực của não, được các nhà khoa học gọi là "dự trữ tri giác", giúp chúng ta chịu đựng được sự hư hỏng của não bộ lâu hơn. Năng lực này của não bộ được tạo ra nhờ việc duy trì đời sống tinh thần và xã hội tích cực. Điều này thường dễ tìm thấy ở các cặp đôi nhiều hơn người đôc thân.
Khi ly hôn hoặc sống độc thân, những căng thẳng xảy ra do mất mát, đau đớn, buồn bã sẽ làm gia tăng triệu chứng suy giảm nhận thức.
Tiến sĩ Andrew Sommerlad, bác sĩ tâm thần học tại UCL, cho biết: Cuộc sống lứa đôi có thể bảo vệ con người trước bệnh sa sút trí tuệ- một bệnh dường như vô phương cứu chữa và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở nhiều quốc gia. Nghiên cứu này được triển khai nhằm góp phần chống lại Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác, vốn là nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu ở Anh, có tỉ lệ cao hơn cả đau tim.
Kết luận này trùng với kết quả một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Jounals of Gerontology. Các nhà khoa học đã theo dõi 6.677 người lớn trong 7 năm. Những người tham gia ban đầu không có ai bị chứng sa sút trí tuệ. Nhưng sau đó, 220 người đã được phát hiện mắc chứng này trong quá trình nghiên cứu. Sau đó, các chuyên gia đã tiến hành so sánh đặc điểm của 2 nhóm người này để biết cuộc sống xã hội có tác động đến nguy cơ mắc bệnh không.
Giáo sư Eef Hogervorst, một trong những người tham gia nghiên cứu cho biết: Chính những mối quan hệ gần gũi mới giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ chứ không phải việc có nhiều bạn bè. Nghiên cứu cũng tìm ra, người sống độc thân có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ gấp 2 lần so với người đã kết hôn.
Nghiên cứu góp phần kêu gọi các bác sĩ quan tâm đến những người chưa lập gia đình và tìm biện pháp can thiệp để đảm bảo người độc thân có thể duy trì lối sống lành mạnh.