|
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc hen phế quản là 4,1%.
Tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não với trên 3 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm. Đối tượng mắc thường ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém.
Đặc biệt, trong thời tiết lạnh của mùa đông miền Bắc, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Thế nhưng việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị và còn tỉ lệ rất lớn bệnh nhân không tuân thủ điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát.
Bác sĩ Đào Duy Tuyên - Khoa Lao và bệnh Phổi – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được.
Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của phản ứng viêm bất thường của đường thở và/hoặc phế nang do phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại. Các bệnh đồng mắc và các đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Những người dễ mắc bệnh này là bệnh nhân có tiền sử: hút thuốc lá, thuốc lào. Ô nhiễm môi trường sống: Khói bếp và chất đốt, bụi hữu cơ, vô cơ, hơi khí độc hóa chất.
Khi có các dấu hiệu như ho, khạc đờm kéo dài. Ho lúc đầu có thể là ngắt quãng, về sau ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho khan hoặc ho có đờm, thường về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.
Khó thở: tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Lúc này, bệnh nhân phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi nặng ngực hoặc thở hổn hển, thở khò khè.
Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể thấy: Lồng ngực có dạng hình thùng, tần số thở tăng, bệnh nhân thở ra phải mím môi lại, co rút các cơ hô hấp ở cổ như rút lõm hố trên ức, trên đòn, các khe gian sườn bị rút lõm.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đến bệnh viện bác sỹ khám và làm thêm các thăm dò: đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo bác sĩ Tuyên, khi điều trị, bệnh nhân phải ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc... Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn bệnh phổi tắc nghẽn tiến triển nặng lên. Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm, vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần.
Ngoài ra, thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, đường phun hít hoặc khí dung.
Bệnh nhân cần vệ sinh mũi họng thường xuyên, giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, điều trị các bệnh đồng mắc.
Tập phục hồi chức năng: Giúp giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Chương trình tập cần do bác sỹ chỉ định dựa trên lượng giá bệnh nhân và theo dõi đánh giá liên tục.