Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam cho biết, tác dụng của gừng đã rõ, củ gừng không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn có tác dụng chữa bệnh. Theo Đông y, gừng có vị cay tính ấm, có thể sử dụng làm nhiều vị thuốc khác nhau, như sinh khương (gừng tươi), bào khương (vỏ củ gừng), can khương (gừng khô). Gừng có nhiều tác dụng như chỉ khái (trị ho), giải cảm hàn, đầy hơi, trướng bụng, tăng cường tuần hoàn huyết dịch bằng cách xoa bóp với rượu gừng hoặc ngâm chân nước gừng nóng...
Vào những ngày lạnh việc ngâm chân trong nước gừng hay uống một cốc nước gừng là tốt vì nước ấm cộng với gừng đập dập sẽ có tác dụng giải lạnh. Tuy gừng có tác dụng tốt như vậy nhưng Lương y Nguyễn Văn Sử cho rằng, không nên quá lạm dụng gừng vì không phải ai hay trong trường hợp nào cũng có thể dùng gừng.
|
Nước gừng tốt nhưng không phải ai cũng dùng được. Ảnh mình họa: Internet |
Chẳng hạn, đối với những người có huyết áp thấp, khi bị tụt huyết áp thì uống nước gừng là tốt, nhưng đối với người có huyết áp cao thì không thể uống nước gừng trong bất cứ lý do gì, đặc biệt là uống nước gừng vào đúng thời điểm đang lên cơn huyết áp cao. Lúc ấy nước gừng sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng cao, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến...
Đặc biệt khi trời lạnh, nhiều trường hợp xảy ra đột quỵ nhẹ do lạnh lại dễ nhầm tưởng là bị cảm mà uống nước gừng nóng thì rất nguy hiểm đến tính mạng, bởi nước gừng nóng có thể gây giãn mạch, đứt mạch máu ở người huyết áp cao.
Một nguyên tắc trong Đông y cần phải nhớ khi sử dụng gừng hay bất kỳ vị thuốc nào, đó là: "Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng". Nghĩa là hàn gặp hàn tất sẽ dẫn đến tử vong, nhiệt gặp nhiệt tất sẽ dẫn đến phát cuồng điên.
Người có cơ địa thể hàn hoặc đang mắc các bệnh hàn thì tuyệt đối không dùng các vị thuốc có tính hàn, ví dụ như đau bụng do cảm hàn thì tuyệt đối không dùng sâm. Người có cơ địa mang tính nhiệt hoặc khi mắc các chứng bệnh nhiệt nóng thì không dùng các vị thuốc có tính nhiệt, ví dụ như sốt nóng thì không dùng gừng.
Ngoài ra, vào mùa đông khi có sự thay đổi nóng lạnh đột ngột giữa môi trường trong nhà và ngoài trời, ở người thể trạng yếu sẽ dễ dẫn đến co hoặc giãn mạch đột ngột đều có thể gây đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong. Tốt nhất khi gặp lạnh, nên ủ ấm từ từ, uống nước ấm dần để cơ thể kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Không nên chủ quan, xem nhẹ các triệu chứng cao huyết áp, đột quỵ và tuyệt đối không uống nước gừng khi có các biểu hiện cao huyết áp.
|
Gừng có vị cay tính ấm, có thể sử dụng hãm trà gừng, ngâm rượu gừng hoặc pha nươc gừng nóng ngâm chân... Ảnh mình họa: Internet |
4 nhóm người không nên uống trà gừng, nước gừng nóng:
Người bị cảm do phong nhiệt
Các chuyên gia Đông y cho rằng, không phải tất cả các trường hợp cảm lạnh đều là do lạnh, một số chứng cảm lạnh lại bắt nguồn từ yếu tố phong nhiệt, tức là vừa có triệu chứng sốt, viêm họng lại vừa có ho, đờm nhiều. Trong trường hợp này, nếu uống thêm gừng có thể khiến cho bệnh trở nên nặng hơn. Bởi vì gừng quá nóng sẽ sinh nhiệt cao lên, rất dễ khiến cho niêm mạc mũi và cổ họng xung huyết, sưng tấy lên, không có tác dụng tiêu viêm khi sử dụng gừng.
Người dễ bị táo bón, khô miệng hoặc có thể chất khô nóng cũng không thích hợp để sử dụng trà gừng.
Nhóm phụ nữ có thể chất khô nhiệt khi đến kỳ kinh nguyệt, sau khi tắm hoặc bị nhiệt miệng, lở loét miệng.
Nhóm người bị đau dạ dày đường ruột cũng cần đặc biệt tránh uống trà gừng. Trong trường hợp này nếu uống thêm gừng có thể làm cho lượng máu gia tăng, ảnh hưởng đến vết thương hoặc có thể dẫn đến khó chịu ở đường tiêu hoá.