COVID-19 có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên đường hô hấp, chức năng phổi và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do vậy, những người có các bệnh lý phổi, đặc biệt là hen phế quản hay phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19.
Nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn
Bệnh nhân hen và COPD đều có đặc điểm chung là viêm mạn tính đường dẫn khí, gây tắc nghẽn đường thở. Trên nền tổn thương như vậy, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn, trong đó có nhiễm SARS-CoV-2.
Mặt khác, tỷ lệ lớn bệnh nhân mắc hen phế quản và COPD thường ở nhóm cao tuổi, khả năng miễn dịch suy giảm, có thể mắc thêm nhiều bệnh lý nền, khiến SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập, gây tổn thương và bội nhiễm các vi khuẩn khác.
Thực tế cho thấy phần lớn bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng đều là mắc bệnh lý nền, trong đó có hen và COPD. Theo các nghiên cứu đã được công bố, COPD và hen không làm tăng tỷ lệ mắc COVID-19 ở nhóm bệnh nhân này. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COPD mắc COVID-19 cao gấp 3 lần so với nhóm người khỏe mạnh mắc bệnh này.
|
Phần lớn bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng đều là mắc bệnh lý nền, trong đó có hen và COPD. Ảnh minh họa: Mta-dialog.
|
Người hút thuốc dù chưa bị COPD cũng có nguy cơ cao hơn đối với SARS-COV-2. Bởi khói thuốc làm suy giảm hoạt động của hệ thống vận chuyển chất nhầy (các tế bào có lông chuyển của biểu mô đường hô hấp). Hệ thống này hoạt động như chiếc chổi quét sạch các vật thể lạ ra khỏi hệ hô hấp. Bệnh COPD xuất hiện âm thầm nên đôi khi người hút thuốc đã mắc bệnh này mà chưa được chẩn đoán.
Phân biệt khó thở do hen và COVID-19
Bệnh nhân hen có thể lên cơn khó thở khi gặp tác nhân kích thích, đặc biệt ở những người chưa được kiểm soát hen tốt. Vì vậy, họ phải làm hai việc là gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị và tránh các tác nhân kích thích.
COVID-19 sẽ gây sốt, ho và khó thở. Những cơn kịch phát của hen và bệnh COPD nếu không bị nhiễm trùng sẽ không sốt mà chủ yếu là khó thở. Hiện nay, những bệnh nhân có sốt phải mặc định là mắc COVID-19. Nếu bị khó thở, bệnh nhân hen và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể dùng thêm thuốc cắt cơn. Nếu sau 6 nhát xịt thuốc giãn phế quản/giờ không hết, người bệnh cần đi cấp cứu ngay.
Khi bệnh nhân sốt kèm theo khó thở, ho, chúng ta cần lưu ý đến các yếu tố dịch tễ học của họ. Gần đây, các bác sĩ cũng nhận thấy dấu hiệu nghẹt mũi, mất mùi ở bệnh nhân COVID-19 bên cạnh sốt, ho và khó thở.
Người mắc bệnh hen, COPD nên ăn các loại cá có mỡ, cam, chanh, quýt, bưởi, uống 10 mg kẽm một ngày, tập thể dục, phơi nắng sáng, uống sữa để bảo vệ hệ hô hấp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tập thở. Việc này giúp hệ hô hấp của bạn khỏe mạnh hơn.
Bài viết do bác sĩ Ngô Chí Công, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.