Cuối tuần vừa rồi có một cuộc hội ngộ giữa những người bạn già của bố mẹ tôi. Tất cả mọi người đều đã ở độ tuổi 60-70. Có người còn khoẻ nhưng có người sức đã yếu. Bố tôi cũng vừa trải qua một ca đại phẫu thuật trước khi bị biến chứng thành ung thư vòm họng.
Tôi cứ loanh quanh pha trà, rót nước và nhờ vậy đã được nghe những câu chuyện về cuộc đời họ. Mà với tôi, những câu chuyện ấy vô cùng ý nghĩa, đáng phải lưu tâm.
Họ hỏi nhau sức khoẻ, cuộc sống và những người bạn lâu không gặp, giờ này đang ở đâu? Có những người đang sống một cuộc đời viên mãn, có những người còn vợ mất chồng, còn cha mất con. Những người đã từng là triệu phú thời còn trẻ, người chỉ mới đây thôi còn là tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản, giờ đang tay trắng khi về già, phải thuê nhà ở.
|
Ai cũng muốn được sống một cuộc đời giàu có và hạnh phúc. |
Mẫu số chung cho những cuộc bể dâu của cuộc đời họ vốn dĩ đều bắt nguồn từ con cái và bệnh tật! Chuyện này giúp tôi vững vàng hơn vào niềm tin: Sức khỏe là thứ đầu tiên và quan trọng nhất mà người ta cần giữ gìn nếu không muốn mất đi những thứ quan trọng khác.
Tôi giật mình khi nghe họ kết luận rằng: Hầu hết trong số những người đã mất đều có nguyên nhân xuất phát từ ung thư và những căn bệnh liên quan đến gan, tim, thận, phổi. Rất nhiều trong số họ đều thành đạt, thành danh, là những cái tên lẫy lừng một thời trong ngành xây dựng và kiến trúc. Hầu hết là những người “anh hùng” bên bàn nhậu mà ai đối mặt cũng phải ái ngại vì không thể địch nổi tửu lượng của họ. Đặc biệt, 100% trong số họ đều hút thuốc.
Tôi thực sự thấy tiếc cho họ. Phải chăng cái để đổi lấy sự giàu có, thành đạt lại chính là sức khỏe của họ? Liệu, nếu tất cả trong số họ, biết trước được cái kết của cuộc đời mình thì họ có đánh đổi hay không?
Ông ngoại tôi năm nay đã ngoài 90 và là một ví dụ điển hình cho nhận định: Ăn uống lành mạnh sẽ là cách tối ưu để duy trì một sức khỏe tốt khi tuổi tác đã cao. Trong đợt khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ đã phải thốt lên với ông tôi rằng: "Thật quá tuyệt vời!", bởi các chỉ số sức khỏe của ông đều đạt chuẩn. Khi được bác sĩ hỏi bí quyết, ông chỉ bảo rằng: “Tôi ăn ngày 3 bữa cơm, uống nước đun sôi để nguội, không uống rượu, bia, cà phê hay nước ngọt, không hút thuốc lá, thuốc lào”. Đặc biệt, ông đã có thâm niên 50 năm uống nước chè xanh thay nước!
Tôi chỉ mong rằng, nếu ai đó còn đang phải sống phụ thuộc vào những chất kích thích như: Rượu, thuốc lá... có thể bỏ chúng ngay lập tức để cứu vãn lại sức khỏe của mình, càng sớm càng tốt.
Hội bạn già của bố mẹ tôi giờ đây đều đã bỏ thuốc, nói không với rượu dù chẳng ai bắt họ phải bỏ. Tất cả cũng chỉ bởi vì, tự họ đã nhận ra sự xuống cấp trầm trọng của sức khỏe.
Tôi nhận thấy niềm vui trong những ánh mắt, trên những khóe môi khi họ kể về con cháu. Và cũng chỉ vì con cháu mà ánh mắt họ đượm buồn, những cái thở dài khiến không gian yên ắng trở nên nặng nề. Suốt cả đời ngập chìm trong công việc khiến họ quên đi vai trò của một người cha trong gia đình.
Những trường hợp gia đình có con bị nghiện, hầu hết đều rất khá giả. Và hầu hết những gia đình khá giả, lại đều từng mất rất nhiều tiền vào con cái. Bố mẹ họ có lẽ đã từng nghĩ rằng, chỉ cần kiếm ra nhiều tiền sẽ có thể giúp con cái có được một cuộc sống no đủ, không phải suy nghĩ nhiều về tiền bạc. Nhưng họ đã thiếu sót khi không dạy con cái cách giữ gìn đồng tiền, cách tiêu tiền và để đồng tiền sinh sôi.
Khi còn trẻ khỏe, có thể người ta chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái. Nhưng khi tuổi già ập đến, họ thấm thía thì đã muộn! Con họ vốn dĩ không thể bé lại như ngày xưa và họ cũng không thể quay ngược thời gian để sửa chữa những sai lầm, thiếu sót.
Tôi biết, nhiều người trong số những người bạn già của bố mẹ tôi muốn nói hai từ "giá như" nhưng họ không dám. Bởi, họ biết sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là "giá như" có thể thành hiện thực.
Ai cũng muốn được sống một cuộc đời giàu có và hạnh phúc. Nhưng nếu phải vì muốn có của cải mà đánh đổi sức khỏe, hoặc bỏ bê con cái thì nghĩa là người đó đã thất bại rồi!