Tại Hà Nội, số trẻ mắc bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở độ tuổi dưới tuổi tiêm chủng và ở những trẻ không tiêm đầy đủ mũi vắc xin phòng sởi.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc sởi phải vào viện điều trị, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Dự đoán bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
|
Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. |
Điểm đáng chú ý và dễ gây khó khăn của diễn biến dịch bệnh sởi năm nay là đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định. Vắc xin phòng sởi hiện nay đang triển khai tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy những trẻ dưới 9 tháng là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.
Trước tình hình gia tăng số ca mắc sởi, các bậc cha mẹ nên tham khảo những biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho con mình sau đây:
Tăng cường bổ sung chất bổ tăng sức đề kháng cho bé
Tăng cường cho bé ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin nhất là vitamin C như cam, bưởi… Luôn giữ ấm cho bé, tránh để bé ra ngoài trời gió to lạnh, hay tránh để bé ra ngoài trời nắng to, và những nơi bụi bẩn …
Nếu bé bị viêm mũi dị ứng cần điều trị sớm cho bé, thuốc hay sử dụng là Aerius nhưng cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị cho đúng phù hợp tuỳ theo độ tuổi và mức độ nặng nhẹ của trẻ mà có cách sử dụng thuốc là khác nhau.
Nếu bé đang mắc bệnh hoặc dễ mắc bệnh thông thường thì trong nhà cần có thuốc phòng bệnh dự trữ như bé hay bị ho, bị co thắt phế quản … thì cần dự trữ thuốc thông dụng như siro trị ho cho bé …
Giữ gìn vệ sinh nơi ở
Chăm chỉ quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lau nhà bằng dung dịch tiệt trùng mỗi ngày một lần để đảm bảo sạch sẽ, nhất là những khu vực trẻ nhỏ hay ngồi chơi, sờ tay vào như đồ chơi, nhà vệ sinh…Có thể sử dụng các loại dược liệu như bồ kết, lá mùi, hạt mùi, lá trà xanh, nước chanh…để tắm gội cho trẻ vì đây là những loại cây có tính sát khuẩn an toàn.
Hạn chế tiếp xúc với các mầm bệnh
Không cho trẻ tiếp xúc các trẻ đang bị bệnh sởi để tránh lây nhiễm. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, tốt nhất là đeo khẩu trang y tế sẽ đảm bảo hơn khẩu trang vải mỗi ngày, nếu là khẩu trang vải thì cần thay giặt mỗi ngày 1-2 lần là tốt nhất.
Nếu có nghi ngờ trẻ đã tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm, sởi, viêm phổi … cần phải vệ sinh sạch và thay quần áo trước khi tiếp xúc với người khác trong gia đình.
Vệ sinh cá nhân
Vệ sinh cho bé mỗi ngày với nước ấm có pha các loại thảo dược như bồ kết, lá mùi hoặc lá trà xanh …thay quần áo chăn ga mỗi ngày để đảm bảo sạch sẽ cho bé, nên giặt đồ và phơi ra ngoài trời nắng sẽ tốt hơn cả.
Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, làm sạch lưỡi cho bé bằng tưa lưỡi, tra thuốc muối sinh lý vào mắt mũi để vệ sinh sạch cho bé.
Người lớn trong gia đình phải vệ sinh cá nhân mỗi ngày, thay quần áo thường xuyên và rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi tiếp xúc với trẻ.
Sởi là bệnh suy giảm miễn dịch cấp tính, lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp. Người bệnh dễ bị lây nhiễm, bội nhiễm vi sinh, đặc biệt môi trường bệnh viện với nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc gây viêm phổi nặng. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch dễ bị đồng nhiễm vi rút khác. Cùng một lúc bị 2-3 vi rút tấn công một cơ thể bệnh đã suy sụp thì nguy cơ tử vong cao. Mọi đối tượng chưa có miễn dịch đều có thể bị sởi. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.