Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2017, các nước trong khu vực Đông Nam Á dù đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc phòng, chống dịch bệnh sởi nhưng trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, tại Thành phố Davao, Philippines đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh sởi.
Trong vòng hơn 2 tháng, tại thành phố Davao đã ghi nhận 222 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc được ghi nhận tại khu vực thành thị có mật độ dân cư cao và có sự di biến động dân cư từ các khu vực khác vào thành phố lớn.
Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi và ở những nơi có mật độ dân cư cao. Để kiểm soát ổ dịch sởi, Cơ quan y tế của thành phố Davao, Philippines đã tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trên 15.000 trẻ em trong thành phố.
|
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm đang hoành hành tại Philippines rất có thể sẽ tấn công Việt Nam. Ảnh: VTV |
Biến chứng của bệnh sởi cực kỳ nguy hiểm có thể gây viêm phổi, viêm phế quản thậm chí dẫn đến tử vong (nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi), viêm tai giữa, xoang, răng lợi, tiêu chảy mất nước, suy dinh dưỡng, viêm loét giác mạc… Các biến chứng thường xuất hiện khi bệnh toàn phát hoặc đã lui khiến người dân rất dễ nhầm lẫn và không đưa bệnh nhân điều trị kịp thời.
Nhận thấy, Philippines là nước thuộc khu vực Đông Nam Á, có sự giao lưu đi lại thuận tiện với Việt Nam do đó nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi này vào nước ta qua các hành khách xuất, nhập cảnh là rất lớn. Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y cho con, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không sử dụng thuốc có thành phần của corticord vì sởi kị nhất với corticord trong khi thành phần này có ở rất nhiều thuốc.
Cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Cũng theo Bộ Y tế, nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều… thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.