Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, các cán bộ của Viện đã tiến hành thử nghiệm và chứng minh được hiệu quả của việc khử khuẩn khẩu trang y tế và khẩu trang vải đã qua sử dụng bằng lò vi sóng. Nguyên lý khử khuẩn là sử dụng dung dịch sát trùng và sóng viba của lò vi sóng.
|
PGS.TS Doãn Ngọc Hải thực hiện khử khuẩn khẩu trang y tế. Ảnh: Lao Động.
|
Khẩu trang đã sử dụng được phun một ít nước khử trùng bất kỳ (có thể là dung dịch sát trùng hay muối sinh lý 0,9%) để tạo độ ẩm. Sau đó, đặt khẩu trang vào trong lò vi sóng (sóng viba) ở công suất vi sóng 800W và quay trong 1 phút.
Theo PGS Doãn Ngọc Hải, vi sóng có khả năng đi xuyên qua các lớp vải khẩu trang diệt các vi khuẩn, virus. Kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho thấy khẩu trang sau khi được tiệt trùng bằng cách này sạch tối đa (99,99999%).
"Đây là một giải pháp trong mùa dịch. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ tiệt trùng một cái khẩu trang của riêng mình để tái sử dụng. Khẩu trang tái sử dụng phải đúng chuẩn khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải. Với việc khử khuẩn này, khẩu trang có thể tái sử dụng đến khi người dùng muốn bỏ đi", ông Hải chia sẻ.
Ông Doãn Ngọc Hải cũng lưu ý, khi đưa khẩu trang vào lò vi sóng phải để mặt trong của khẩu trang ngửa lên trên. Nếu để chế độ hoạt động của lò vi sóng quá thời gian 1 phút, khẩu trang có thể sẽ bị cháy.
Mời quý độc giả xem video: WHO đánh giá Việt Nam có năng lực để sản xuất vaccine phòng Covid-19
Lò vi sóng thường để quay nóng đồ ăn nên trước va sau khi khử khuẩn khẩu trang, cần vệ sinh sạch sẽ bên trong. Tốt nhất mỗi lần chỉ tiệt trùng một chiếc khẩu trang của riêng mình để tái sử dụng nhiều lần cho đến khi khẩu trang bị hỏng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, giải pháp này, chỉ nên áp dụng trong mùa dịch Covid-19.
Cùng với đeo khẩu trang, cần có thói quen rửa tay sạch với xà phòng, dung dịch rửa tay có cồn, nước rửa tay khô có nồng độ cồn từ 60%. Các sản phẩm phải đảm bảo về nồng độ các chất có tính kháng khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.