Từng bị trầm cảm sau sinh khi bắt đầu đi làm trở lại, chị Nguyễn Thu Hương (32 tuổi) đã thoát ra khỏi căn bệnh nhờ sự chăm sóc chu đáo của chồng.
Chị Hương chia sẻ, sau khi đi làm trở lại, công việc áp lực khiến chị suy nghĩ nhiều dẫn đến có lúc đầu óc muốn vỡ tung, căng như dây đàn. Trong đầu chị Hương lúc nào cũng có suy nghĩ sợ mất mối quan hệ đã tạo dựng được sau 6 tháng nghỉ sinh.
Thay vì chú tâm vào công việc, chị Hương lại thường xuyên nghĩ tới chuyện bỉm sữa, thức ăn cho con. Nhiều khi chị Hương cảm thấy quá áp lực nhưng lại không biết tâm sự cùng với ai. Thậm chí, càng muốn thoát ra thì chị Hương lại cảm thấy bí bách.
“Tôi bắt đầu hay cáu gắt, khó chịu khi bị sếp phàn nàn về tốc độ công việc. Tiếng con khóc làm tôi thấy đau đầu. Đôi khi tôi thấy tủi thân và khóc một mình”, chị Hương tâm sự.
|
Bệnh trầm cảm cần phải được quan tâm chăm sóc mới nhanh khỏi. |
Trong một lần bị sếp mắng và phàn nàn về chất lượng công việc, chị Hương cảm thấy bực bội và khó chịu. Khi về nhà, chị Hương không nấu cơm và chăm sóc con. Thậm chí, chồng về chưa hiểu chuyện gì lại mắng chị làm cho người mẹ trẻ thêm mệt mỏi.
Chị Hương cho biết: “Sau đó, tôi có nói với chồng về công việc quá áp lực và việc gia đình nhiều khiến tôi mệt mỏi và muốn nổ tung. Lúc đó chồng tôi bắt đầu an ủi và còn chụp ảnh tự sướng khiến tôi vui hơn một chút".
Biết chị Hương có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh, chồng đã lên mạng đọc thông tin về bệnh và động viên đi khám. Từ khi thấy tâm tính chị Hương thay đổi, chồng chị thường về nhà sớm hơn, hay trò chuyện và thỉnh thoảng 2 vợ chồng lại chụp ảnh "tự sướng" cùng nhau. Sau nhiều cố gắng, từ bức ảnh thứ 101, chị Hương đã bắt đầu nở nụ cười.
“Anh giúp tôi việc nhà, chăm sóc con, cho con ăn… Anh dùng nhiều cách khác nhau để tôi có thể cười được. Buổi tối, hai vợ chồng nói chuyện, tâm sự cùng nhau. Có hôm cả hai vợ chồng tâm sự đến 2 giờ sáng mới bắt đầu đi ngủ. Anh kể lại những chuyện ngày xưa yêu nhau, lúc lấy nhau và khoảnh khắc hạnh phúc khi đón chào thành viên mới… Hết chuyện gia đình anh chuyển sang kể chuyện bạn bè, công việc… Nhờ sự chăm sóc chu đáo, kiên trì của chồng mà tôi nhanh chóng thoát khỏi căn bệnh trầm cảm”.
Theo bác sĩ chuyên khoa, sống chung cùng người trầm cảm có thể rất khó khăn, người chăm sóc người trầm cảm cần phải hiểu được trầm cảm là một bệnh không phải là tính cách yếu đuối. Bệnh trầm cảm có thể điều trị được. Phương pháp điều trị như thế nào và kéo dài bao nhiêu lâu sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Gia đình và người thân khi hỗ trợ chăm sóc sẽ giúp cho bệnh nhân khỏe lại. Người chăm sóc cần phải có sự kiên nhẫn, kiên trì và đây là căn bệnh cần có thời gian. Mọi sự căng thẳng đều có thể khiến bệnh lý trở nên nghiêm trọng.
Điều cần làm cho người bị trầm cảm
- Hãy nói rõ là bạn muốn giúp đỡ, lắng nghe mà không đánh giá và đề nghị giúp.
- Tìm hiểu thêm về bệnh trầm cảm.
- Khuyến khích người bệnh đi khám bác sĩ khi có thể.
- Đề nghị đi cùng tới gặp bác sĩ.
- Nếu được kê thuốc hãy giúp họ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hãy kiên nhẫn, thường phải mất vài tuần bệnh nhân mới cảm thấy khá hơn.
- Giúp họ làm công việc hàng ngày, ăn ngủ đều đặn.
- Khuyến khích họ tập thể dục hàng ngày và tham gia công tác xã hội.
- Khuyến khích họ tập trung vào những điều tích cực hơn là tiêu cực.
- Nếu họ nghĩ tới chuyện tự tử làm bị thương, hay cố ý tự tử làm bị thương đừng để họ một mình. Cần nhờ thêm sự giúp đỡ của dịch vụ cấp cứu và nhân viên y tế. Giấu hết những thứ thuốc men vật sắc nhọn dễ làm thương tích.
- Bạn cũng cần tự chăm sóc bản thân. Cố gắng tìm cách thư giãn và tiếp tục làm việc mình yêu thích.