Không được nóng vội
Cô Vũ Thu Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa hồng (Hà Nội) chia sẻ, nguyên nhân trẻ mẫu giáo đánh nhau thường ít khi xuất phát từ sự thù hận, cố tình mà chỉ là cách bộc phát sự tức giận. Chúng đang chơi có bạn giành mất đồ chơi, chúng tức giận giành lại hoặc xô bạn, đánh bạn... Đó là điều hoàn toàn tự nhiên vì trẻ hầu như chưa biết cách tích cực hơn để xử lí cảm xúc và giải quyết vấn đề như thương lượng, nói chuyện, nhờ người khác giúp… Thế nên, trẻ chỉ biết dùng cách bản năng nhất là tay chân mà chưa nghĩ đến hậu quả, cảm xúc của người khác.
Trẻ mầm non đánh nhau ít khi để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Thường thì trẻ chỉ đẩy bạn, lấy tay đánh bạn hoặc tiện đang cầm cái gì thì gõ luôn vào bạn… Bố mẹ có thể rất xót xa khi con mình bị xước xác, bầm tím nhưng nếu bình tĩnh thì bố mẹ sẽ nhận ra là bé cũng không đau lắm và cũng không có ý nghĩ là bạn đánh mình vì ghét mình và không chơi với bạn nữa. Trẻ con thường bộc phát ngay lúc đó rồi lại có thể chơi với nhau vui vẻ.
Vì vậy, trong trường hợp trẻ đánh nhau, theo cô Trang, đầu tiên, cha mẹ hãy hỏi rõ cô giáo sự việc bắt đầu như thế nào, diễn biến ra sao và hậu quả có nghiêm trọng không. Việc hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra sẽ giúp bạn biết lí do khiến bé hành xử như thế, phải biết nguyên nhân thì sau đó mới giải quyết được.
Nếu sự việc để lại hậu quả nghiêm trọng… bạn nên liên lạc với phụ huynh của bé kia để hỏi han, tỏ ý xin lỗi và bày tỏ sự đáng tiếc về vấn đề của trẻ. Bạn cần xác định, có những phụ huynh sẽ hợp tác và bình tĩnh vì hiểu trẻ con không cố tình thì hai bên có thể nói chuyện vui vẻ. Nhưng cũng có những phụ huynh sẽ trút cơn giận dữ lên bạn.
Sau đó bạn hãy nói chuyện với trẻ về chuyện đã xảy ra ngày hôm đó. Bạn không nên bắt đầu theo kiểu mình đã biết hết mọi chuyện mà chỉ cần gợi mở nhẹ nhàng rằng mẹ nghe cô giáo nói hôm nay con có xô xát với bạn nào đó, có thể kể cho mẹ nghe được không.
Thái độ của bố mẹ nên tỏ ra bình tĩnh, muốn lắng nghe chứ không phải như đang hỏi tội trẻ để trẻ có thể kể lại câu chuyện của mình. Có nhiều sự việc cô giáo nhìn nhận có thể nhầm lẫn vì cô không để mắt đến trẻ thường xuyên được để chứng kiến sự kiện từ đầu đến cuối hoặc do chủ quan của cô. Vì thế bạn cần lắng nghe con mình nói.
Hãy để con bình tĩnh kể lại câu chuyện, bạn chỉ cần tỏ ra “ừ”, “à” hoặc nhắc lại nguyên văn lời con vừa nói như là tiếng vọng của con vậy: “Vậy là con đang chơi xe tải thì bạn lại lấy nó đi” để bé hiểu là bạn đang lắng nghe. Bố mẹ không nên tỏ thái độ, chỉ trích hay dạy bảo gì, đây chỉ là lúc tìm hiểu vấn đề. Nếu bố mẹ có đặt câu hỏi cho con thì cũng chỉ để hiểu vấn đề hơn. Nếu lời nói của con có mâu thuẫn với lời cô giáo kể thì bạn cần bình tĩnh và hỏi lại bé những chi tiết xung quanh.
|
Ảnh minh họa ITN. |
Cần thái độ và cách xử lí đúng đắn
Trẻ đánh nhau có nghĩa là trước đó có một vấn đề mà trẻ không biết dùng cách nào để giải quyết. Để xử lý dứt điểm thì con cần biết vì sao không nên đánh nhau và những cách giải quyết mà không cần đánh nhau.
Ví dụ, bạn có thể hỏi con trước: “Mẹ nghĩ đánh bạn không phải là một cách hay vì bạn sẽ đau. Nếu lần sau con bị bạn giành đồ chơi, con nghĩ có cách nào khác không?” “Đánh bạn thì bạn sẽ đau, mình thử nghĩ cách khác xem nhé. Lần sau nếu bị bạn xô ngã thì có cách nào khác mà không cần đánh bạn không nhỉ?”.
Trường hợp này, hãy để con đưa ra ý kiến của mình. Nếu bé không thể đưa ra một giải pháp khác hoặc giải pháp không phù hợp thì bạn hãy phân tích và đưa ra giải pháp của mình như xô bạn ra, chạy đi, gọi cô giáo, hét lên, mắng bạn là không lịch sự…
Nếu con bạn thường bị bạn đánh, hãy hướng dẫn bé những cách né tránh và tìm sự trợ giúp, không ngồi yên để bạn đánh mà cũng không đánh lại bạn. Cùng với đó, hãy nói chuyện với cô giáo của con, yêu cầu cô để ý đến con, ngăn chặn những trận đánh nhau sau này hoặc xử lí thỏa đáng hơn khi trẻ đánh nhau như biện pháp cách li, giải thích...
Nếu cô giáo không thể xử lí tốt vấn đề khiến con tiếp tục bị bạn đánh thường xuyên, bạn nên cân nhắc phương án chuyển lớp/ chuyển trường cho con thay vì cho phép con đánh bạn để tự vệ, phản kháng lại.
Sau khi bé đã hiểu rõ vấn đề và cách giải quyết khác sau này phù hợp hơn, bạn có thể cùng bé xử lí hậu quả. Bạn cùng con hôm sau đi học sớm, đợi bạn kia và bố mẹ bạn đến để xin lỗi nếu cảm thấy sự việc nghiêm trọng. Còn nếu không, bạn chỉ nên đề nghị bé hôm sau đi học thì xin lỗi bạn hoặc tặng cho bạn một món đồ gì đó để tỏ ý xin lỗi như một cái kẹo. Thông thường trẻ sẽ quên ngay luôn vụ đánh nhau hôm trước và tiếp tục chơi với nhau như không có chuyện gì xảy ra.
Và cuối cùng, nếu con bạn thường xuyên đánh trẻ khác, hãy nhìn nhận lại xem bạn đã hướng dẫn con những cách để xử lí cảm xúc và mâu thuẫn tích cực chưa, bạn có khiến trẻ hiểu bạo lực là cách được phép chấp nhận không?
“Môi trường mầm non là một xã hội thu nhỏ nơi trẻ có nhiều mối quan hệ hơn và thể hiện bản thân mình qua các mối quan hệ đó khá rõ ràng. Vì thế, đây là nơi để trẻ tập và học những cách xử lí cảm xúc, giải quyết vấn đề với sự trợ giúp từ bố mẹ và nhà trường. Bố mẹ có thái độ và cách xử lí đúng đắn khi bé đánh bạn/ bị bạn đánh thì bé sẽ học được cách xử lí các cảm xúc, mối quan hệ với người khác một cách hòa bình sau này”, cô Trang nhấn mạnh.