Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại nước ta là đã được ra viện ngày 2/1 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe. Trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng.
Ngoài ra, sau đó Bộ Y tế công bố thêm 23 ca mắc khác, gồm 14 ca tại Quảng Nam, 5 ca tại TPHCM, một ca tại Hải Phòng, một ca tại Hải Dương và 2 ca tại Thanh Hóa. Đây đều là các ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Trong đó 14 ca tại Quảng Nam, đều không có triệu chứng lâm sàng. 5 ca tại TPHCM sức khỏe ổn định hiện đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đến nay ca nhiễm tại Hải Dương cũng đã được ra viện.
Chiều 5/1, TPHCM cũng thông báo thêm một ca nhiễm Omicron là tiếp viên một hãng hàng không nước ngoài, người Đài Loan. Như vậy, nếu tính cả ca này Việt Nam sẽ có 25 bệnh nhân nhiễm Omicron.
TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các ca nhiễm Omicron này đều là người đã tiêm vaccine. Bình thường người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Điều này cũng tương tự ở các nước khác như Mỹ, Nhật...
"Hiện các ca mắc ghi nhận nhiều ở trên cộng đồng đã tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh, nên chúng ta thấy có vẻ bệnh nhẹ. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh thì có thể ảnh hưởng đến nhóm chưa được tiêm vaccine, dẫn tới bệnh nặng. Bằng chứng là đã xuất hiện các ca tử vong do nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ, Hàn", TS Thái cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Cơ quan an ninh y tế Anh (HSA) mới đây công bố một nghiên cứu phân tích 528.176 ca nhiễm biến thể Omicron và 573.012 ca nhiễm biến thể Delta. Kết quả cho thấy nguy cơ ca nhiễm Omicron phải đưa vào chăm sóc cấp cứu hoặc nhập viện bằng một nửa so với nhiễm Delta, nếu chỉ tính riêng nguy cơ nhập viện thì bằng 1/3. Bên cạnh đó, số ca cần đến giường trợ thở cũng không tăng lên như giai đoạn đỉnh của các làn sóng dịch trước.
Tại Mỹ, trong tuần lễ kết thúc ngày 28/12, nhóm 0-17 tuổi chứng kiến mức tăng 66% số ca phải nhập viện. Mức tăng này cao hơn con số ở đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Mặc dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các ca nhiễm Omicron ở trẻ em có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Israel vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm mùa và Covid-19 cùng lúc, là một thai phụ chưa tiêm phòng ở thành phố Petah Tikva. Dù bệnh nhân có triệu chứng tương đối nhẹ và đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, nhưng Bộ Y tế Israel cho biết đang tiếp tục nghiên cứu trường hợp này để xem liệu sự kết hợp giữa hai loại virus có khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn hay không.
Hàn Quốc vừa ghi nhận hai trường hợp tử vong đầu tiên là người nhiễm biến thể Omicron. Đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 1.318 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 703 ca nhập cảnh và 615 ca trong nước. Các chuyên gia cảnh báo, Omicron có thể sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nước này trong tương lai gần như đã thấy ở Mỹ và nhiều nước châu Âu.
WHO: Cần thêm nhiều dữ liệu hơn nữa để nhận định khả năng gây bệnh nhẹ của Omicron
Về khả năng lây truyền, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn (ví dụ dễ lây lan từ người sang người hơn) so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, nhưng các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác hay không.
Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, WHO cho rằng vẫn chưa rõ liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác. Các ca bệnh được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học - những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn - nhưng việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần.
WHO khẳng định tất cả các biến thể của Covid-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, và do đó việc phòng ngừa luôn là chìa khóa.
Bằng chứng ban đầu cho thấy đối với hầu hết mọi người, ít nhất là đối với những người đã tiêm vaccine đầy đủ, Omicron có vẻ chỉ gây bệnh nhẹ giống như cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng nổi bật do Omicron là: ho, mệt mỏi, nghẹt mũi và chảy nước mũi. Mất vị giác và khứu giác có vẻ không phải là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân Omicron so với các biến thể trước đó.